784 Duong Lieu community hall

Đình Dương Liễu

h.Hoài Đứcsông ĐáyTiền Lý

Đình Dương Liễu (đình Hàng Tổng) có từ thời Lê Trung hưng. Thờ vọng thành hoàng Lý Phục Man. Lễ hội: 12 tháng 2 và 12 tháng 3 âm lịch. Xếp hạng: di tích thành phố (2007). Vị trí: đường đê Dương Liễu, xã Dương Liễu, 3M5F+3F, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 25 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Ba Chàng - Minh Khai Cát Quế (xe 66)

Địa lý

Xã Dương Liễu có diện tích 4.31 km², dân số năm 1999 là 11.139 người, mật độ dân số đạt 2.584 người/km². Phía bắc giáp huyện Phúc Thọ và xã Minh Khai. Phía tây giáp huyện Phúc Thọ. Phía nam giáp xã Cát Quế. Phía đông giáp xã Đức Thượng và Đức Giang. Trong xã có thôn Dương Liễu nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử văn hóa như: chùa Hương Trai, chùa Đồng, chùa Bãi, đình Hàng Tổng và quán Dương Liễu. Dân nơi đây có nghề làm miến và bánh kẹo từ lâu đời, góp phần làm tăng nạn ô nhiễm môi trường hiện nay.

Lược sử

Đình Dương Liễu còn gọi là đình Hàng Tổng, được tiến sĩ Nguyễn Danh Dự người bản xã đứng ra kêu gọi 3 thôn Dương liễu, Quế Dương (Cát Quế), Mậu Hòa (Minh Khai) cùng nhau xây dựng vào năm Kỷ Tỵ (1689) dưới thời Lê trung hưng. Tháng 4-1948, đình đã bị dỡ để thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, về sau mới được xây lại ở trên đê.

Cổng đình Dương Liễu. Photo ©NCCong 2021

Bên trong đình thờ Gia Thông Đại Vương Lý Phục Man, một vị tướng được thờ chính ở quê hương là thôn Yên Sở, bên cạnh thôn Dương Liễu (cả hai thôn xưa kia cùng thuộc vùng Sấu-Giá, huyện Đan Phượng, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây). Ngài tham gia khởi nghĩa Lý Bí, sau lại có công hàng phục Lâm Ấp, trở thành con rể của đức vua Lý Nam Đế, được ban tặng quốc tính và đổi tên là Lý Phục Man. Tuy nhiên trong chính sử lại không thấy ghi tên thật của ngài.

Theo truyền thuyết, vào thời Tiền Lý, tướng Lý Phục Man trên đường đi đánh giặc đã dừng chân tại thôn Dương Liễu và cho làm lễ “nghiềm quân”. Thế rồi đoàn quân dưới lá cờ chỉ huy của ngài đã đánh tan giặc Lâm Ấp. Về sau, nhà Lương đem quân sang xâm lược và Lý Phục Man dũng cảm chiến đấu đến lúc hy sinh. Để tưởng nhớ công lao to lớn của người anh hùng, nhân dân nơi đây cũng như nhiều làng xung quanh đã tôn phụng ngài là thành hoàng làng.

Nhà bia đình Dương Liễu. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc và di sản

Đình Dương Liễu được trùng tu năm 2008 chủ yếu bằng công sức của nhân dân sở tại. Hiện nay, giáp với đường đê là nghi môn gồm 2 cửa phụ và 4 trụ biểu đắp các câu đối chữ Hán. Sau cổng là sân gạch dẫn đến thềm đình cao 5 bậc, bên tay phải là nhà bia. Toà đại bái 5 gian 2 chái, cửa bức bàn, nhìn ra sông Đáy chếch về phía tây bắc như cũ. Bốn mái lợp ngói ri, đầu đao cong cong đắp hình rồng chầu về trung tâm. Bờ nóc gắn gạch hoa chanh và hai con kìm, trên bờ dải còn có các con nghê, đều bằng đất nung. Tại hai bộ vì ở gian giữa toà đại bái có những mảng chạm khắc tỉ mỉ trên ván dong và kẻ tiền hoạt cảnh đám rước vinh quy bái tổ, bẩy hiên thì chạm rồng...

Theo truyền thống hàng năm vào ngày 12 tháng 3 âm lịch nhân dân trong toàn vùng Sấu-Giá tổ chức lễ hội Tổng với hàng trăm trai tráng rước kiệu, nghiềm quân, múa cờ tưng bừng, tế lễ long trọng. Xưa kia lễ hội rất hoành tráng và kéo dài mấy ngày liền, chính hội là ngày 12 tháng 3 âm lịch. Các nhà nghiên cứu người Pháp đã chụp ảnh và ghi chép về sư kiện đặc biệt này vào năm 1928.

Hội đình Dương Liễu. Photo EFEO 1928

Ngày 16-5-1925, Toàn quyền Đông Dương Maurice Antoine François Montguillot đã ký quyết định xếp hạng đình Dương Liễu là một trong những di tích lịch sử cần bảo vệ. Gần đây, lễ hội Dương Liễu được khôi phục và thu hút đông đảo khách thập phương tham gia. Cứ 5 năm một lần thì tổ chức đại lễ hội với hoạt cảnh “nghiềm quân” của gần 500 trai làng ở sân vận động của xã.

Ngày 5-2-2007, đình [và quán] Dương Liễu được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá theo quyết định của UBND tỉnh Hà Tây.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Duong Lieu community hall