786 Mau Hoa community hall

Đình Mậu Hoà

h.Hoài Đứcnhà Đinhsông Đáy

Đình Mậu Hoà có từ năm 1512 thời Lê sơ. Thờ: thành hoàng Phạm Đông Nga, một vị tướng của Đinh Bộ Lĩnh. Xếp hạng: di tích quốc gia (1994). Vị trí: 3M6F+VM, xã Minh Khai, Hoài Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 24 km (hướng 10 h). Trạm bus lân cận: Ngã 3 Đường Đồng Tâm - Minh Khai Cát Quế (xe 66)

Địa lý

Xã Minh Khai nằm ven đoạn đường đê Tả sông Đáy đi từ thị trấn Phùng trên quốc lộ 32 đến đại lộ Thăng Long; trên đoạn đê này có các xe buýt tuyến 66 chạy qua. Đây là một xã nhỏ gồm hai thôn Minh Hiệp, Minh Hòa; phía đông giáp xã Đức Thượng, phía nam giáp xã Dương Liễu (đều thuộc huyện Hoài Đức), phía bắc giáp xã Song Phượng (huyện Đan Phượng), phía tây giáp xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ). Xã Minh Khai có diện tích 1,95 km², dân số năm 1999 là 4.573 người, mật độ dân số đạt 2.345 người/km². Ngoài sản xuất nông nghiệp, nhân dân nơi đây còn có nghề phụ là làm miến.

Nghi môn đình Mậu Hoà. Photo ©NCCong 2021

Lược sử

Trong ngôi đền Mậu Hoà hiện còn tấm bia đá “Tổng đốc đại vương thần từ ký”, được dựng năm Hồng Thuận thứ tư (1512). Văn bia do Nguyễn Ích Tốn đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) soạn. Theo đó, đình Mậu Hoà thờ thành hoàng Phạm Đông Nga, một vị tướng tài của Đinh Bộ Lĩnh. Ngài quê ở huyện Chương Đức (nay là Chương Mỹ), có công giúp vua dẹp loạn 12 sứ quân, được phong chức Tổng đốc. Rồi ngài xin từ quan để chu du các miền sông nước. Đến Mậu Hoà thấy cảnh đẹp ngài ở lại, giúp dân trị úng ngập, nuôi cá, trồng dâu, chăn tằm, dệt lụa. Ngài hoá vào ngày 27 tháng Năm âm lịch, về sau dân sở tại đã lập đền thờ.

Đình Mậu Hoà hiện nằm ở phía nam cách ngôi đền khoảng 400m. Dòng chữ Hán ghi trên câu đầu bên phải đình cho biết đình được dựng vào ngày 25 tháng Chạp năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái thứ 11 (1899). Như vậy ngôi đình có từ năm 1512 thời Lê sơ và được xây lại vào thời Nguyễn. Ngoài ra, cũng còn có một số tấm bia khác được khắc năm Thành Thái thứ 12 (1900), nội dung văn bia ghi chép về việc 4 giáp của làng cùng đóng góp công sức để tu sửa ngôi đình.

Đình Mậu Hoà. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc và di sản

Đình Mậu Hoà có kết cấu theo hình “chữ Đinh”, các gian bên có sàn gỗ cao để quan viên ngồi. Đình toạ lạc trong một khuôn viên ở phía đông đường đê Tả sông Đáy. Mặt đình nhìn hơi chếch về hướng bắc qua một sân gạch rộng đến cổng nghi môn với 4 trụ biểu có đắp các câu đối chữ Hán trên thân. Hai bên sân là dãy nhà tả, hữu vu 5 gian, phía trước có ao sen.

Toà đại bái gồm ba gian hai chái, chiều ngang 20m, chiều sâu 8,7m, lòng hiên rộng 1,2m. Bốn mái lợp ngói ri, đầu đao cong nhẹ đắp hình rồng, hai đầu bờ nóc có đôi con kìm. Hai bộ vì giữa có kết cấu theo thức “kẻ chuyền”, dựa trên 6 hàng cột gỗ lim. Vì nóc có thêm 2 trụ trốn để đỡ rường bụng lợn tạo ra kiểu “giá chiêng” nhỏ, vì hai gian bên làm theo kiểu “chồng rường”. Tại các thân kẻ bẩy thì chạm rồng, hoa lá. Mặt trước một cốn mê lớn được trang trí đề tài tứ linh, mặt sau là hoạt cảnh các vị đánh cờ, chơi đàn, thưởng trà bên cạnh lũ tiểu đồng hầu hạ và con rồng đội bức cuốn thư khắc bài thơ về đôi bạn tri âm Bá Nha - Chung Tử Kỳ. Cốn mê bên phải chạm một vị tướng đứng sau hương án, trước mặt là quan quân vác biển, dắt ngựa đến bái yết.

Hội đình Mậu Hoà

Năm 1994, đình và đền Mậu Hoà đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Mau Hoa community hall