793 Hoang Trung pagoda

Chùa Hoàng Trung (Linh Quang Tự)

h.Thanh Oaisông ĐáyLê trung hưng

Chùa Hoàng Trung có từ thời Hậu Lê, khoảng thế kỷ XVII. Tên chữ: Linh Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2008). Vị trí: RQ2M+QPV, Cầu Kênh 4, xã Hồng Dương, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 35km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đd cổng làng Ngọc Đình - QL21B (xe 78, 91, 103a, 103b)

Địa lý

Làng Hoàng Trung phía nam liền thôn Mạch Kì, phía tây là thôn Ngọc Đình, cả 2 thôn cùng xã Hồng Dương, phía bắc giáp thôn Tiên Lữ (xã Dân Hoà), phía đông giáp thôn Châu Mai (xã Liên Châu). Diện tích đất canh tác hơn 852 mẫu; trong đó có nhiều ruộng chùa, ruộng họ, ruộng giáp v.v.. Cánh đồng lớn nhất là Đống Sung, Song Nai… tiếp giáp thôn Châu Mai. Đất thổ cư rộng 52 mẫu, kéo dài suốt từ xóm Thủy tới xóm Tiếu.

Xưa kia nhà cửa thưa thớt với nhiều gò đống, ao chuôm, xung quanh có luỹ tre dầy bao bọc gọi là luỹ bành lao. Gần đây ngoài làm ruộng và buôn gỗ, dân làng có thêm nghề làm giò chả đang mang lại thu nhập chính. Hầu hết nhà cửa được xây lại khang trang, cả thôn chỉ còn hơn chục hộ nghèo, 100% đường giao thông đã được bê tông hóa.

Tiền đường chùa Hoàng Trung. Ảnh ©NCCong 2021

Hoàng Trung xưa kia chỉ có một con đường thiên lý Bắc—Nam chạy qua đầu làng. Đến thế kỷ XX ở cạnh làng mới có đường quốc lộ 22 (nay là QL21b) chạy dọc sông Đáy và năm 1963 mở thêm một đường quân sự (tức Cầu Kênh 4) kéo ngang qua làng tới xã Liên Châu.

Lược sử

Theo bi ký khắc trên tấm bia đá được dựng vào năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) ở chùa Hoàng Trung, chùa được đại trùng tu vào thời Hậu Lê và có tên chữ Linh Quang Tự. Đến cuối thời Nguyễn, dân làng đã tôn tạo toàn bộ kiến trúc ngôi chùa. Hiện nay khu di tích bao gồm tiền đường, thượng điện, động Quan Âm, nhà Tổ và vườn tháp mộ.

Tranh Thập điện Diêm vương chùa Hoàng Trung. Ảnh ©NCCong 2021

Chùa Hoàng Trung đã được công nhận là di tích kiến trúc - nghệ thuật quốc gia tại Quyết định 11/2008/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành ngày 26-02-2008.

Kiến trúc và di sản

Tam quan với hai tầng mái được xây bằng gạch lục theo kiểu cuốn vòm bên trong. Tầng dưới gồm ba cửa, sườn bên phải có cầu thang gạch dẫn lên gác. Tầng trên gồm ba gian, hai gian bên cũng xây cuốn vòm, gian giữa cao hơn và treo một quả chuông lớn có tường che kín ba phía. Từ tam quan có con ngõ nhỏ đi qua vườn đến nhà bia và sân trước.

Nhà bia chùa Hoàng Trung. Ảnh ©NCCong 2021

Chùa chính gồm toà tiền đường năm gian xây tường hồi bít đốc, kết nối với thượng điện thành hình chuôi vồ. Bộ vì tiền đường làm theo kiểu“ kèo kẻ trụ nọc”, ở hàng trụ trước có mở bức bàn. Bốn đầu dư ở gian giữa chạm rồng, ở kẻ hiên và xà nách ngoài hiên thì chạm lá lật, tứ linh và tứ quý.

Toà thượng điện gồm ba gian dọc kiểu chồng diêm, tường hồi bít đốc với bốn mái chảy, bên trong uốn vòm cong. Từ ngoài vào trong xây bệ cao dần, hai bên đặt tượng Quan Âm tọa sơn và tượng Tổ. Phía sau chùa có một kiến trúc riêng rẽ gồm ba gian làm theo kiểu “tiền đao hậu đốc”, tên chữ Linh Tích Động, dân quen gọi là động Quan Âm, trang trí bằng cửa võng được chạm tinh xảo với đề tài hoa dây và chữ triện.

Điện Phật chùa Hoàng Trung. Ảnh ©NCCong 2021

Trên tam quan treo quả đại hồng chung bằng đồng đúc năm Gia Long 13 (1814). Trong chùa có 32 pho tượng tròn được tạo tác từ gỗ và đất luyện. Ngoài ra lại có các tượng Tổ và nhiều bức tượng nhỏ đặt tại nhà Mẫu. Nhà chùa còn giữ được mấy bức tranh treo ở hai hồi tiền đường vẽ các đề tài Thập điện Diêm vương.

Di tích lân cận

©NCCông 2015-2021, Hoang Trung pagoda