802 Phuong Trung community hall

Đình làng Chuông

h.Thanh OaiPhùng Hưngsông Đáy

Đình làng Chuông có từ thế kỷ XIX. Thờ: vua Phùng Hưng, công chúa Phương Dung và 4 vị thành hoàng khác. Hội chợ: 10 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1985). Vị trí: RQH6+MF5, xã Phương Trung, H. Thanh Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 30km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đình làng Chuông trên đê Tả Đáy (xe 124), Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Thanh Oai trên QL21B (xe 78, 91, 103A, 103B)

Địa lý

Làng Chuông là tên Nôm của xã Thì Trung, năm 1848 do kiêng húy tên vua Tự Đức mà đổi thành xã Phương Trung. Dân làng ban đầu tập trung ở bên trong đê Tả sông Đáy, chỗ xóm Chợ, xóm Chùa và xóm Trung Chính bây giờ. Đến thời Mạc, làng có hai người đỗ tiến sĩ: Phạm Kinh Bang (khoa 1529) và Nguyễn Viết Mậu (khoa 1556). Văn bia thế kỷ XVII cho biết một số người làng là võ quan cao cấp dưới triều Lê trung hưng.

Cổng đình làng Chuông. Photo ©NCCong 2017

Dân làng Chuông nổi tiêng về nghề làm nón từ xưa kia với các sản phẩm: nón mười, nón dấu, nón chóp dứa, nón lá già, nón ba vòng đấu, nón thúng quai thao, v.v.. Từ sau năm 1930 kiểu nón bài thơ trở thành mặt hàng chủ lực. Trước năm 1945, làng đã mở rộng đến 25 xóm do dân cư sinh sôi và tụ hợp đông đúc. Năm 1947 các xóm sáp nhập vào 7 thôn: Tây Sơn, Trung Chính, Liên Tân, Quang Trung, Mã Kiều, Tân Tiến và Tân Dân (năm 2003 mới tách ra Tân Dân 1 và Tân Dân 2).

Lá nón làng Chuông. Photo ©NCCong 2017

Lược sử

Đình làng Chuông thờ Bố Cái đại vương Phùng Hưng và phu nhân là công chúa Phương Dung, người đã cho xây chùa Thắng Quang Tự để xuất gia tu Phật.

Thành hoàng thứ ba là Đỗ Huệ, người làng Chuông, ngài đã dẫn 50 trai tráng gia nhập đoàn quân Phùng Hưng tiến đánh thành Tống Bình. Sau khi hoá ngài được dân làng thờ hậu ở chùa cùng Phương Dung công chúa.

Đình làng Chuông. Photo ©NCCong 2017

Vị thành hoàng thứ tư là Quốc công Nguyễn Xí. Ngoài ra đình còn thờ đức Địa kỳ, Thổ kỳ là hai vị thần đã báo mộng cho Phùng Hưng rằng vua sẽ có người phù giúp và đánh thắng Cao Chính Bình, tướng nhà Đường.

Ngày 16-3-1985 đình làng Chuông cùng với chùa Thắng Quang Tự và hội chợ làng Chuông đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Không rõ đình làng Chuông khởi dựng chính xác từ bao giờ. Trải qua vài đợt trùng tu, tôn tạo, ngôi đình mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn định hình chủ yếu từ lần xây lại vào năm 1894 dưới đời vua Thành Thái và lần mở rộng vào năm 1911 dưới đời vua Duy Tân. Mặt bằng toàn bộ kiến trúc hiện nay của đình có hình “chữ Quốc”.

Cổng đình là một nghi môn kiểu tứ trụ, từ ngoài đường rẽ vào du khách thấy hai bên là hai dãy tả, hữu mạc nhìn nhau qua sân gạch rộng thường dùng để họp chợ. Toà đại bái gồm 5 gian quay hướng nam, 3 gian giữa có cửa bức bàn với đố cửa và ngưỡng cửa khá cao. Bộ khung dựa trên 5 hàng cột, chân kê đá tảng có chạm khắc, đường kính cột cái 50cm và cột quân 37cm. Trang trí tập trung ở các bức cốn chạm đề tài tứ linh và tứ quý. Trên bức cốn hiên có hình tam hổ với phong cách điêu khắc dân gian.

Trung cung và hậu cung nằm song song theo hình “chữ Nhị”, đều gồm 3 gian nhà ngang làm kiểu chồng diêm 2 tầng mái. Hai nhà giải vũ 3 gian đối diện qua sân hẹp và trung cung. Hậu cung là nơi bài trí ban thờ cùng long ngai, bài vị của các thành hoàng làng. Tất cả các mái đều lợp ngói ri.

Di sản

Trong đình làng Chuông hiện còn lưu giữ được cuốn thần phả cùng với 25 đạo sắc phong thần của các triều đại xưa và một số cổ vật quý khác như: hương án, đỉnh đồng, các bức hoành phi và câu đối chữ Hán.

Chợ làng Chuông. Photo ©NCCong 2017

Dân làng tưởng niệm Bố Cái đại vương Phùng Hưng vào ngày mồng 10 tháng Ba âm lịch và làm lễ mừng hạ được thành Tống Bình vào ngày 25 tháng Mười. Ngoài ra còn có Hội chợ Chuông từng là hội chợ lớn nhất của tỉnh Hà Đông cũ, hằng năm được tổ chức vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch. Có lẽ đặc sắc nhất trong dịp này là trò đánh cờ người và thổi cơm thi.

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2021, Phuong Trung community hall