809 Van Mong temple
Đền Vân Mộng
h.Mỹ ĐứcLê trung hưngsông ĐáyĐền Vân Mộng có từ thời Hậu Lê. Thờ: nữ thần Vân Mộng. Xếp hạng: di tích thành phố (2005). Vị trí: QM2C+363, thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 45km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Trước đền Đoan Nữ khoảng 50m (xe 125)
Địa lý
Tuy Lai là một xã nông nghiệp thuộc huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Xã nằm cách trung tâm thủ đô khoảng 45 km về phía tây nam. Địa giới phía bắc giáp xã Thượng Lâm, phía đông giáp các xã Mỹ Thành và An Mỹ, phía nam giáp xã Hồng Sơn, phía tây tiếp giáp huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Dân số xã năm 1999 gồm 10.980 người, hiện sống trong 14 thôn, tổng diện tích tự nhiên là 26,5 km².
- Tam quan đền Vân Mộng. Photo ©NCCong 2021
Khoảng non nửa diện tích phía tây của xã chủ yếu gồm mặt nước hồ Tuy Lai, các ao đầm, ngọn đồi và rặng núi thấp. Những thôn nằm ven hồ có nhiều thắng cảnh thiên nhiên và di tích lịch sử - văn hoá. Một trong số di tích cổ nổi tiếng nhất là ngôi đền Vân Mộng thuộc thôn Giáp Bốn, bên trong thờ một vị nữ thần từng được các triều đại từ Lê đến Nguyễn ban cho 42 đạo sắc phong là thượng đẳng tối linh thần.
Lược sử
Theo thần tích, xưa kia nơi đây có nàng Vân Mộng xinh đẹp và nết na. Đến tuổi 16 trăng tròn nàng quy y cửa Phật tại chùa Thuỷ Viên, thuộc trang Lai Tảo. Nửa năm sau có giặc Chiêm Thành xâm chiếm nước ta, ni cô Vân Mộng phải lánh nạn. Dọc đường ni cô đã được một tiên nữ giác ngộ và đi theo tiên ra đảo học đạo, rồi biết kéo mây gọi gió làm mưa và bốc thuốc cứu người.
- Sân đền Vân Mộng. Photo ©NCCong 2021
Khi giặc lui, ni cô trở về chùa đúng lúc trang Lai Tảo và xung quanh có dịch bệnh. Ni cô sử dụng phép tiên và thảo dược trên núi Quan Sơn chữa khỏi cho rất nhiều người dân sở tại và cả dân từ các làng Bột Xuyên, Tảo Khê, Phú Hữu lân cận. Sau khi hoá, ni cô còn hiển linh giúp mưa đổ xuống chống hạn hán. Tin tức lan tới triều đình, nhà vua truyền lệnh cho dân làng lập đền thờ ngài. Hàng năm từ ngày 21 đến 22 tháng Mười âm lịch là ngày ngài hoá, nhân dân vẫn tổ chức hội làng, trong đó có lễ rước kiệu từ đền đến chùa Lai Tảo rồi quay lại.
Kiến trúc và di vật
Đền Vân Mộng nằm trên một bán đảo nhỏ, ba bề giáp hồ có cây cối xanh tươi chắn gió. Mặt đền nhìn qua sân ra cổng tam quan mở về phía đông bắc. Tam quan mới được xây lại khá đồ sộ, gồm hai cửa phụ và hai trụ biểu. Cửa giữa gồm ba tầng giả, hai bên có phù điêu cặp hộ pháp đứng canh đền. Các mái đắp hình rồng, phía sau cổng đặt tượng một đôi voi phục tạc bằng đá có tuổi đã mấy trăm năm, cổ voi đeo khuôn nhạc.
- Tiền tế đền Vân Mộng. Photo ©NCCong 2021
Toà tiền tế gồm ba gian cửa bức bàn, hai chái có bốn mái đao cong, bờ chảy và bờ nóc đắp bờ đinh. Phía trên bờ nóc có đắp tượng hai con rồng chầu vào mặt trời ở giữa. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ cốn mê, bẩy hiên và bẩy hậu”. Hai bộ vì gian bên làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách, bẩy hiên và bẩy hậu”. Hai bộ vì gian hồi làm theo kiểu “thượng cốn mê, hạ kẻ chuyền cốn, bẩy chéo”. Hai bộ vì áp sát đầu đốc được làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ”.
Toà tiền tế cùng với hậu cung nằm song song thành hình “chữ Nhị”. Bên trái còn có một nếp nhà ba gian là nơi ông thủ từ sinh hoạt. Toà hậu cung xây kiểu nhà ngang hai tầng giả với ba gian đầu hồi bít đốc. Các bộ vì giữa được làm theo kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ kẻ chuyền xà nách”. Hai bộ vì hồi được làm áp sát tường xây, các xà thượng, xà hạ chạy dọc khắp và được soi kẻ chỉ.
- Hậu cung đền Vân Mộng. Photo ©NCCong 2021
Trong đền hiện vẫn giữ được 17 đạo sắc phong còn lại và một số cổ vật như 01 bộ long ngai bài vị, 02 đế bát hương gỗ chạm hoa sen, 01 bát hương chạm rồng. Năm 2005, ngôi đền Vân Mộng đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá.
Di tích lân cận
- Chùa Hàm Long
- Chùa Thượng
- Đền Thông
- Đình Đoan Nữ
- Đình Thượng
- Đình Vĩnh An
©NCCông 2011-2021, Van Mong temple