817 My Giang community hall
Đình Mỹ Giang
h.Phúc Thọsông ĐáyHai Bà TrưngĐình Mỹ Giang có từ thế kỷ XIX, thời Nguyễn. Thờ: 3 vị thành hoàng Tế Công, Cẩm Nương, Đặng Lý phu nhân là bộ tướng của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1989). Vị trí: 3JM9+4G4, thôn Mỹ Giang, xã Tam Hiệp, H. Phúc Thọ, TP Hà Nội. Toạ độ: 21°04’58"N 105°37’08"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 27km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Gần Dốc Quai Chè Xã Tam Hiệp 70M - Quốc Lộ 32 (xe 20a, 70a, 70b, 92).
Địa lý
Tam Hiệp là một xã nông nghiệp với diện tích 5,6 km² và dân số 9.154 người năm 1999, hiện nay thu hút nhiều lao động tăng thành khoảng 15.000 người. Phía đông nam giáp xã Hiệp Thuận. Phía đông bắc giáp xã Tam Thuấn. Phía tây bắc giáp xã Ngọc Tảo. Phía tây nam giáp huyện Thạch Thất. Xã có con đường quốc lộ QL32 chạy qua phần đất phía bắc với chiều dài khoảng 3km, về phía đông chỉ cách dòng sông Đáy 1,5km và cách trung tâm thủ đô khoảng 25km.
Xã hiện nay có 3.200 hộ dân, kinh tế thuộc hạng phát triển nhất huyện Phúc Thọ với ngành nghề khá đa dạng như: may mặc, làm thú nhồi bông, dịch vụ, in ấn, sản xuất món cà dầm tương truyền thống... Nổi bật từ thập niên 2010 là nghề may với hơn 2000 hộ kinh doanh, trong đó có khoảng 50 xưởng sản xuất quy mô cỡ 30-50 máy. Đa số những hộ này đã trở thành độc lập sau khi khởi nghiệp bằng làm gia công cho các xưởng lớn ở phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội.[1]
- Cổng đình Mỹ Giang. Photo ©NCCông 2021
Lược sử
Xã Tam Hiệp được thành lập năm 1945, ban đầu trực thuộc huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây cũ (sau lại sáp nhập với tỉnh Hà Đông thành tỉnh Hà Tây). Ngày 17-2-1979, xã chuyển về thuộc huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Xã gồm 5 thôn là: Thượng Hiệp, Đại Điền, Hòa Thôn, Hiệp Cát, Mỹ Giang, chia thành 8 cụm dân cư. Thôn Thượng Hiệp vốn tên là Khánh Hiệp, xưa kia từng có đến 2 trong số 7 tiến sĩ Nho học của huyện Phúc Thọ.[2]
Xã Tam Hiệp là một vùng đất Việt cổ ven sông Đáy đã để lại nhiều di tích kiến trúc nghệ thuật. Riêng thôn Mỹ Giang có tới 4 di tích được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng quốc gia, bao gồm: đình Mỹ Giang (1989), chùa Thiệu Long (1989), Quán Ngự (1991), và chùa Kim Hoa (1998).[3]
- Sân đình Mỹ Giang. Photo ©NCCông 2021
Chùa Kim Hoa còn gọi là chùa Tổng, được xây dựng vào khoảng thời Trần và trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo vào những năm 1579, 1692, 1796… Gần đây, chùa được trùng tu và làm lễ khánh thành vào ngày 27/9/2020. Nhà chùa bảo lưu được nhiều cổ vật có giá trị nghệ thuật cao như: bệ đá hoa sen hình hộp, chuông đồng, ba pho tượng Tam thế Phật, tượng Quan Âm toạ sơn và Thích Ca Cửu Long… Trong chùa còn có giếng ngọc tương truyền rất linh thiêng.
Đình Mỹ Giang được lập từ thế kỷ XVII thời Lê Trung hưng để phụng thờ 3 vị gồm: Tế Công, Cẩm Nương và Đặng Lý phu nhân, vốn là bộ tướng từng theo Hai Bà Trưng khởi nghĩa ở Hát Môn nơi sông Đáy thông với sông Hồng. Tương truyền các ngài đã đặt hành cung tại Mỹ Giang. Đánh đuổi thái thú Tô Định xong rồi thì ba vị hoá, được dân địa phương về sau tôn thờ làm thành hoàng làng.
Năm 1989, đình Mỹ Giang đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Hông đình Mỹ Giang. Photo ©NCCông 2021
Kiến trúc
Đình Mỹ Giang có mặt bằng hình “chữ Công”, mặt nhìn hơi chếch về hướng nam qua con đường làng ra ao hình vuông, hiện nay đã được đắp kè và xây tường bao quanh. Sau cổng nghi môn là sân gạch rồi đến toà đại bái 3 gian 2 dĩ với đầu đao uốn cong ở 4 góc mái. Các bộ vì được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ” và dựa trên 6 hàng cột. Trang trí trong đại bái tập trung vào các đầu dư, rường cốn, kẻ chuyền với các hình đầu rồng, mây xoắn, hoa lá... bằng kỹ thuật chạm lộng đa lớp và chạm sâu nổi khối. Bức cửa võng ở chính điện chạm nổi hai con rồng chầu hổ phù với hoa văn hình tứ linh, tứ quý và treo bức đại tự đề ba chữ Hán “Tối Linh Từ”.
Sau đại bái là toà trung đường 5 gian xây tường bao quanh, có 4 đầu đao uốn cong ở 4 góc mái. Các bộ vì được làm theo kiểu chồng rường. Các bức cốn bẩy được đục, chạm hoa văn hình tứ linh, tứ quý in rõ phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Toà hậu cung thờ bài vị thành hoàng cũng làm theo kiểu chồng rường và được trang trí bằng các mảng đục, chạm những hình hổ phù, rồng cuốn thuỷ, long mã chở mặt trời.
- Làng nghề Tam Hiệp
Trong đình Mỹ Giang còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý giá như: 01 cuốn thần phả, 05 tấm bia đá, 03 hương án, 09 đạo sắc phong, 03 bộ long ngai bài vị thành hoàng và một số bức đại tự, câu đối sơn son thiếp vàng.
Di tích lân cận
- Chùa Tăng Non
- Chùa Triệu Xuyên
- Đình Hương Tảo
- Đình Ngọc Tảo
- Đình Tăng Non
- Đình Thuấn Nhuế Nội
- Đình Triệu Xuyên
Chú thích
[1] Tam Hiệp đạt tổng giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp hơn 500 tỷ đồng/năm. Xã hiện mỗi năm sản xuất hơn 100 triệu bộ quần áo và thú nhồi bông các loại. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước, mà còn được xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Trung Quốc...
[2] Tiến sĩ Nguyễn Khắc Tuy, tức Nguyễn Doãn Tuy, sinh năm 1460, đỗ khoa Giáp Tuất niên hiệu Hồng Thuận 6 (1514) đời vua Lê Tương Dực, năm 1522 bị vua Lê Chiêu Tông sai người giết. Tiến sĩ Nguyễn Đạo Hưng, sinh năm 1465, đỗ khoa Quý Sửu (1493) niên hiệu Hồng Đức 24 (1514) đời vua Lê Thánh Tông.
[3] Hiện nay một số di tích đang bị dính vào các khu đất sẽ dành để làm dự án như được vẽ trong bản đồ theo tài liệu “Quy hoạch chung xây dựng huyện Phúc Thọ đến năm 2030”.
817 My Giang community hall ©NCCông 2019-2021