828 Thuan Luong community hall

Đình Thuần Lương

huyền sửh.Chương Mỹsông Tích

Đình Thuần Lương có từ thời Hậu Lê. Thờ: Hùng Nghị Vương và Hùng Duệ Vương. Lễ hội: 10 tháng Ba âl. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: VJCV+J54, thôn Thuần Lương, xã Hoàng Văn Thụ, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°52’17"N 105°38’35"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 32 km (hướng 8 h) theo quốc lộ QL6. Trạm bus lân cận: Đd Cửa Hàng Đồ Gỗ Toan Tiến (xe 114)

Từ BĐX Yên Nghĩa phía tây nam nội thành Hà Nội, du khách có thể lên xe bus số 114 đi qua thị trấn Chúc Sơn rồi qua Cầu Zét Tốt Động và xuống ở trạm dừng bus cạnh ngã tư Mỹ Lương - Nguyễn Văn Trỗi. Sau khi đi tiếp gần 2km theo hướng tây bắc thì du khách rẽ sang phía bên trái ngã tư đầu làng và sẽ nhìn thấy đình Thuần Lương nằm ở cách đó 600m. Kề bên hữu đình lại có một di tích khác là ngôi chùa làng với tam quan cũng mở ra con đường làng và cùng nhìn ra hồ.

Thuần Lương là một thôn làng rộng lớn ở vùng bán sơn địa, có các núi Tràng Sơn, Sáo Sơn và sông Bùi, suối Chiềng... chảy qua. Dân làng còn truyền miệng đến tận ngày nay một bài thơ Nôm dài hơn trăm câu. Xin trích đoạn:
Huyện thì là huyện Lương Sơn
Có tổng Phương Hạnh, có làng Thuần Lương,
Ngăm Ngành, Đá Bạc, Đồng Xương,
Lại thêm Tứ Trại phú cường đa đinh....

Đình Thuần Lương: nghi môn. Photo ©NCCong 2021

Lược sử

Nơi đây xưa kia thuộc về châu Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, vốn có hai dân tộc Việt Mường sống chung từ lâu đời.

Theo nội dung các sắc phong và cuốn Thần phả do Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) được sao chép năm Khải Định thứ 9 (1924) hiện đang lưu tại đình làng thì hai vị thành hoàng được phụng thờ là Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, và Hùng Duệ Vương, huý Huệ Lang.

Năm 1988, ngôi đình Thuần Lương đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đình Thuần Lương: sân trước. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Đình xây trên thế đất cao, thiết kế từ đầu đã tuân thủ theo quan niệm phong thủy truyền thống với rồng chầu, hổ phục và án đường, minh đường. Đình nhìn về phía đông nam ra một hồ nước hình chữ nhật. Cổng đình xây kiểu nghi môn, thân trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, các tường hai bên cửa phụ đắp phù điêu rồng và voi. Trong sân có dãy nhà tả vu, bên hữu là nhà bia.

Mặt bằng đình hiện nay có hình “chữ Công”. Toà đại bái rộng ba gian hai chái, lắp cửa bức bàn. Các bộ vì dựa trên 24 cây cột lim to, một số trong đó được cung tiến bằng gỗ do đồng bào Mường vận chuyển theo đường bộ rồi thả bè xuống sông Bùi xuôi về tận bến Tinh Mỹ gần làng. Các mái chảy đều uốn đầu đao cong cong. Trên bờ nóc có đắp tượng lưỡng long triều nguyệt và những linh thú khác.

Trung cung nhô hơi cao và có cổ diềm lấy sáng, chức năng là kết nối gian giữa toà đại bái với hậu cung hai gian. Phía sân sau có nhà hậu.

Miếu Thuần Lương. Photo ©NCCong 2021

Di sản

Tại đình Thuần Lương hiện có những mảng chạm khắc đẹp tập trung trên các bức cốn mang dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn. Nội dung trang trí xoay quanh các đề tài mai điểu, tùng hạc, trúc hoá long, ngư long hý thuỷ, hoa sen và cá chép v.v.. Trong cung cấm bảo lưu được 7 đạo sắc phong từ thời Lê và Nguyễn, bên ngoài có 3 tấm bia đá đặt trong một miếu nhỏ.

Lễ hội đình diễn ra hàng năm vào mùa xuân đúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, tức mùng 10 tháng Ba âm lịch. Nhân dịp này, đồng bào Mường vẫn mang cồng chiêng về làng Thuần Lương tham gia lễ hội cùng người dân sở tại. Các cụ già kể chuyện có lần đồng bào Mường còn rước kiệu bát cống lên xã Vĩnh Đồng, huyện Kim Bôi, tỉnh Hoà Bình để cho quan lang và dân bản chiêm bái.

Đình Thuần Lương: mặt bên. Photo ©NCCong 2021

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2021, Thuan Luong community hall