833 Tot Dong community hall

Đình Tốt Động

h.Chương Mỹsông ĐáyLê sơ

Đình Tốt Động có từ thế kỷ XV. Thờ: Đỗ Bí, Lê Ngân - hai danh tướng của Lê Lợi. Lễ hội: 7 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1985). Vị trí: VMHF+6FC, Tốt Động, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°52’41"N 105°40’25"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 29km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: Trường PTTH Tốt Động (xe 114).

Từ BĐX Yên Nghĩa, ta có thể lên xe bus số 114 chạy theo quốc lộ QL6 đến thị trấn Chúc Sơn thì rẽ trái qua chợ Chúc rồi xuống xe ở “Trường PTTH Tốt Động”. Ta rẽ trái đi tiếp hơn 400m theo phía đông nam đến xóm Leo sẽ nhìn thấy ngôi đình nằm cạnh hai ngôi đền và đối diện một hồ nước hình vuông.

Lược sử

Thôn Tốt Động tên Nôm là làng Rét. Đình làng thờ hai danh tướng quê Thanh Hóa, gồm hào trưởng huyện Nông Cống là Đỗ Bí (?-1460) và Lê Ngân (?-1437), người xã Đàm Di, thuộc Lam Sơn, huyện Thọ Xuân. Hai vị theo Lê Lợi khởi nghĩa năm 1418, lập rất nhiều công từ lúc bị vây ở Ai Lao cho đến ngày khôi phục hoàn toàn nền độc lập của nước Việt, nhưng cuối đời lại bị chết thảm giữa triều đình.

Hồ đình Tốt Động. Photo ©NCCong 2022

Ngày 12-8-1426, Lý Triện, Trịnh Khả, Đỗ Bí dẫn 3000 quân tiến về gần Đông Quan. Giặc Minh thấy cánh quân này trơ trọi từ xa tới, liền đưa quân ra đánh. Ba tướng dốc sức quyết chiến, phá tan giặc, chém 2000 người, rồi đóng ở phía tây sông Ninh Giang. Hôm sau, giặc chia làm 3 hướng: Vương Thông đóng ở bến Cổ Sở; Phương Chính ở cầu Sa Đôi; Sơn Thọ, Mã Kỳ ở cầu Thanh Oai. Lý Triện, Đỗ Bí giấu tượng binh ở đồng Cổ Lãm, nhử Sơn Thọ, Mã Kỳ đuổi theo, khi qua bờ cầu Tam La, chỗ ấy là ruộng bùn, quân mai phục nổi dậy đánh tạt ngang. Giặc sa lầy, hỗn loạn, chết hơn 1000 và bị bắt sống 500 người.

Ngày 7-10-1426, Lý Triện, Đỗ Bí tiến đến Cổ Sở. Vương Thông cho quân làm lá chắn, bên trong gài chông sắt, giả chạy vứt lại. Voi ta giẫm chông, nghĩa quân phải tháo lui. Đinh Lễ, Trương Chiến, Nguyễn Xí... đang ở Thanh Đàm, được cấp báo bèn đem hơn 3000 người và 2 con voi đến cứu, hội nhau ở Cao Bộ. Giặc đến gần Yên Duyệt, quân ta ba mặt đều nổi dậy xông ra đánh các xứ Tuỵ Động, Chúc Động, chém chết thượng thư Trần Hiệp, nội quan Lý Lượng và quân sĩ 5 vạn người, giặc chết đuối rất nhiều. Ta bắt sống hơn 1 vạn giặc, thu vô kể ngựa và khí giới. Phương Chính theo đò Cổ Sở trốn về. Bọn Vương Thông, Mã Kỳ thoát chạy vào Đông Quan.

Đình Tốt Động. Photo ©NCCong 2022

Tháng 1-1427, Lý Triện vây thành Đông Quan, cho Đỗ Bí chỉ huy 14 vệ quân đóng ở Bắc Môn là cửa quan trọng nhất. Ngày 4-3-1427, Phương Chính ngầm đem quân đánh úp Cảo Động, Từ Liêm; Lý Triện tử trận. Đỗ Bí bị bắt giam cho tới ngày Lê Lợi toàn thắng.

Năm 1433 Thái Tổ mất, Đô tổng quản Lê Ngân cùng Đại Tư đồ Lê Sát làm phụ chính cho vua nhỏ. Thái Tông lớn lên giết Lê Sát về tội chuyên quyền và phong chức tước rất cao cho Lê Ngân. Năm 1437, vua Thái Tông bắt ông tự sát và tịch thu gia sản vì tội chứa của cải trong nhà và nuôi mụ đồng Nguyễn thị cùng thầy phù thủy Trần Văn Phương để cầu cho con gái là Huệ phi được vua yêu.

Năm 1459 Nghi Dân giết vua Nhân Tông để cướp ngôi em. Không lâu sau, Đỗ Bí, Lê Ê, Lê Thụ định làm binh biến nhưng bại lộ, đều bị chết. Về sau, Đỗ Bí và Lê Ngân được dân Tốt Động lập đền thờ và các triều đình ban 26 đạo sắc phong làm thành hoàng làng

Đại bái đình Tốt Động. Photo ©NCCong 2022

Năm 1985 đình Tốt Động đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình nằm trên một khoảnh đất đẹp có tường bao ở đầu làng, phía bắc có cổ thụ và cây cầu dài bắc ra thuỷ đình trên hồ. Sau nhiều lần tu sửa, tôn tạo, hiện nay đình mang dáng vẻ kiến trúc thời Nguyễn. Tam quan làm kiểu nghi môn, cửa chính ở giữa 2 trụ biểu đắp câu đối chữ Hán, cách một đoạn là hai cửa phụ. Sân trước rộng rãi và cao ráo, hai bên sân có các dãy nhà ngang dài 9 gian, trong một gian bên hữu mạc có 3 tấm bia đá.

Đại bái 5 gian cửa bức bàn, 4 mái chảy lợp ngói ri, đầu đao cong vút, bờ nóc đắp lưỡng long trào nguyệt. Các bộ vì làm kiểu chồng rường trên 4 hàng cột gỗ. Các bức cốn được chạm đề tài chủ yếu là “ngư long hý thuỷ”. Hình rồng có ở cả trên các đầu dư và cửa võng. Hậu cung rất sâu, bên trong đặt khám thờ nhi vị thành hoàng, bên ngoài nối với gian giữa đại bái theo hình “chữ Đinh”. Các dãy tả, hữu vu bên hông hậu cung kéo đến tận sân sau và giáp với hậu đường.

Hậu cung đình Tốt Động. Photo ©NgPhong 2022

Hằng năm cứ vào mùng 7 tháng Giêng âm lịch, chính quyền và dân vùng Tốt Động lại mở hội, kỷ niệm ngày chiến thắng tại quê hương. Trong dịp này có nghi lễ rước kiệu từ quán Bến (thờ Đỗ Bí) và quán Đừn (thờ Lê Ngân) về hội tế ở đình làng.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2021, Tot Dong community hall