836 Phu Xa pagoda
Chùa Phú Xá (Phúc Hoa Tự)
Lê trung hưngq.Tây Hồsông HồngChùa Phú Xá còn gọi chùa Sù, có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Phúc Hoa Tự. Vị trí: số 59 Phú Xá, 3RQ7+748, Tây Hồ, Hà Nội, Việt Nam. Cách BĐX Bờ Hồ: 8 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Trạm Thú Y Tây Hồ 197 An Dương Vương (xe 31, 58).
Lược sử
Phú Thượng là vùng đất nằm ven đê sông Hồng, từ Tây sang Đông gồm 3 làng: Thượng Thụy (làng Bạc), Phú Gia (làng Gạ), Phú Xá (làng Sù) đều có di tích lịch sử và truyền thống văn hoá lâu đời.
Còn lưu truyền câu ca dao như sau:
“Làng Gạ có gốc cây đề
Có sông tắm mát có nghề nấu xôi
Làng Gạ đi bán bánh trôi
Làng Sù bán bún dính môi lằng nhằng”.
- Cổng chùa Phú Xá. Photo ©NCCong 2014
Câu ca dao trên cho biết Phú Xá là một làng cổ có nghề truyền thống làm bún và bán các món bún. Đây cũng là quê của tiến sỹ Nguyễn Kiều (1695-1752), chồng của Hồng Hà nữ sỹ Đoàn Thị Điểm (1705-1748). Trong nhà Tổ của chùa Phú Xá hiện tại có 1 gian thờ Nguyễn Kiều. Mộ của nữ sỹ cũng được đặt trong làng Sù.
Chùa Phú Xá nằm ở gần đầu cầu Nhật Tân. Du khách lên xe bus số 31 hoặc 58 chạy đến trạm dừng "Đối Diện Trạm Thú Y Tây Hồ 197 An Dương Vương" thì xuống, rồi sang đường và đi theo ngõ 79 An Dương Vương khoảng vài trăm bước sẽ nhìn thấy tam quan chùa ở ngách bên tay trái.
- Gác chuông chùa Phú Xá. Photo ©NCCong 2014
Thời gian xây dựng chùa hiện nay chưa thấy tài liệu nào ghi lại cụ thể. Theo bài minh trên quả chuông “Phúc Hoa Tự Chung” thì chùa được trùng tu vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Ngọ (1810). Như vậy có thể ước tính chùa có ít nhất từ đầu thế kỷ XVII, thời Lê trung hưng.
Kiến trúc
Dáng dấp chùa Phú Xá đã thay đổi nhiều sau những lần được trùng tu vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI do nhà chùa tổ chức quyên góp và xây dựng lại phần lớn các công trình bằng vật liệu kiên cố. Hiện tại các hạng mục kiến trúc chính gồm có: tam quan, tiền đường, thượng điện, nhà Tổ, nhà Mẫu và vườn tháp mộ.
- Sân chùa Phú Xá. Photo ©kim Khuyên 2022
Tam quan mới xây, gồm 3 cửa, ở giữa là gác chuông, bên cạnh còn có cổng riêng cho xe ô tô. Tất cả trông quá đồ sộ so với cái ngách hẹp chạy ngang trước mặ̣t và chia cắt chùa với vườn tháp nằm bên kia đường. Đầu ngách phía tây mở ra con ngõ 79 An Dương Vương. Cổng cho ô tô thông ra ngõ 59 Phú Xá, nơi có cổng chào và biển đề tên chùa. Sau cổng là sân gạch dẫn đến khu chùa chính.
Tiền đường 5 gian 2 dĩ xây kiểu tường hồi bít đốc, mặt nhìn về phía tây nam. Thượng điện gồm 3 gian kết nối với tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Nhà Tổ rộng 6 gian, nằm ở bên trái tiền đường; gian giữa thờ thành hoàng làng, một gian thờ tiến sĩ Nguyễn Kiều (hiện nay ban thờ tiến sĩ Nguyễn Kiều đã chuyển về đình làng Phú Xá). Nhà Mẫu 7 gian, nằm ở bên phải tiền đường.
- Tiền đường chùa Phú Xá. Photo ©NCCong 2014
Nhà chùa không giữ được nhiều cổ vật, ngoài 07 tấm bia đá đã được gắn vào các bức tường trong đợt trùng tu đầu thế kỷ XXI. Trong vườn tháp hiện còn 3 ngôi mộ của các vị sư trụ trì đã quá cố.
Di tích lân cận
- Chùa Bà Già: 3RQ3+MR, ngõ 209 An Dương Vương, P. Phú Thượng.
- Chùa Tứ Liên: 3R7H+PR, số 167 đường Âu Cơ, P. Tứ Liên.
- Chùa Vẽ: ngõ 163 Đông Ngạc, phường Thụy Phương.
- Đình Đông Ngạc: 37 Đông Ngạc, phường Thụy Phương.
- Đình Nhật Tảo: cuối đường An Dương Vương, phường Nhật Tảo.
- Đình Nhật Tân: 3RGC+FH, số 401 đường Âu Cơ, P. Nhật Tân.
836 Phu Xa pagoda ©Kim Khuyên 2014-2022