838 Den So (Phu Lo) temple
Đền Sọ (Phù Lỗ)
h.Sóc SơnThánh Gióngsông Cà LồĐền Sọ có từ thời Lê. Thờ: Đức Thánh Gióng. Lễ hội: 16-18 tháng 2 âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1997). Vị trí: 6R2X+67, QL3, Phù Lỗ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 23 km (hướng 12 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Chợ Phù Lỗ - Km 18+650 Quốc Lộ 3 (xe 15, 93, 161)
Địa lý
Phù Lỗ tên Nôm vốn là Sổ, sau gọi Kẻ Sọ. Thời cổ thuộc Vũ Ninh, huyện Phong Châu. Thời Lý gọi là Thiên Đức. Thời Lê thuộc huyện Đông Ngàn, Kinh Bắc. Thời Nguyễn thuộc huyện Kim Hoa, sau đổi thành Kim Anh. Năm 1903-1905 trở thành tỉnh lỵ (khi đó lập tỉnh Phù Lỗ, sau đổi thành tỉnh Phúc Yên, năm 1950 nhập vào tỉnh Vĩnh Yên thành tỉnh Vĩnh Phúc). Năm 1979 thị trấn Phù Lỗ thuộc huyện Sóc Sơn, thành lập từ 2 huyện Đa Phúc và Kim Anh, được cắt về thành phố Hà Nội.
Từ Hà Nội du khách có thể đi xe bus sang Gia Lâm rồi lên xe bus tuyến 15 đi về thị trấn Phù Lỗ và xuống xe điểm dừng “Đối Diện Chợ Phù Lỗ - Km 18+650 Quốc Lộ 3”. Du khách sang bên kia đường rồi rẽ vào cổng nghi môn của con ngõ ngắn vài chục bước dẫn qua một giếng tròn là đến sân đền Sọ ở ngay bên cạnh chợ Phù Lỗ.
- Cổng đền Sọ. Photo ©NCCong 2022
Lược sử
Theo truyền thuyết, Thánh Gióng sau khi thắng giặc đã rẽ vào Kẻ Sọ gội đầu và nghỉ chân bên cạnh giếng, nơi thợ làng rèn ra giáp sắt, roi sắt, ngựa sắt. Rồi ngài lên núi Sóc và cùng ngựa bay về trời. Đời vua Lê Thánh Tông, nhân dân Kẻ Sọ đã dựng đền thờ Thánh Gióng. Hằng năm, việc cúng tế và tổ chức lễ hội tưởng niệm do ba tổng Phù Xá, Xuân Nộn, Phù Lỗ lo chung, vì thế đền Sọ còn mang tên đền Tam Tổng.
Dòng sông Cà Lồ chảy qua vùng Sóc Sơn, gần chỗ thông ra sông Hồng có di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu nổi tiếng là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Nhiều làng ở ven sông từng là căn cứ của Hai Bà Trưng. Sau khi vua Ngô Quyền mất, vùng này trở thành địa bàn của sứ quân Nguyễn Khoan. Thời Lê-Nguyễn, đất Kẻ Sọ có nhiều người đỗ đạt nên dân gian mới ví von "Quan Kẻ Sọ, lọ Thổ Hà". Ngày nay, thị trấn Phù Lỗ nằm ở gần sân bay Nội Bài, lại là nơi 2 con đường quốc lộ QL2 và QL3 giao nhau, cho nên giao thông rất thuận lợi.
- Giếng đền Sọ. Photo ©NCCong 2022
Kiến trúc và di sản
Ngôi đền Sọ cùng cái giếng cổ từng được trùng tu vào năm Tân Dậu 1741 và Tân Dậu 1921. Đến năm 1992 và đầu thế kỷ XXI cả khu di tích lại được trùng tu. Ngôi đền nhìn về phía nam, thềm tôn cao 5 bậc. Toà đại bái 3 gian 2 dĩ, cửa bức bàn, xây tường hồi bít đốc tay ngai, bên cạnh là nhà thờ Đức Mẫu 3 gian, cùng kiểu “chữ Đinh”. Đền Sọ ngày xưa có diện tích 3.750m2, nay diện tích chỉ còn 1.712m2. Trong sân lại có nhà hữu mạc quay mặt ra cổng nghi môn ở hướng đông.
Trong đền hiện vẫn lưu giữ được một số cổ vật quý. Đặc biệt có một tấm bia đá trên đó khắc bài văn ghi nhận rõ về việc 54 xã thuộc Tam Tổng phụng thờ Đức Phù Đổng Thiên Vương. Cái giếng cổ đã được khơi lại và xây nhà che ở vị trí dưới gốc cổ thụ. Hằng năm chính quyền và nhân dân trong vùng tổ chức Lễ hội đền từ ngày 16 đến 18 tháng 2 âm lịch.
- Sân đền Sọ. Photo ©NCCong 2022
Năm 1997, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng ngôi đền Sọ là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Đức Hậu: xã Đức Hòa, huyện Sóc Sơn.
- Đền Gióng Sóc Sơn: xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.
- Đền Thụy Hương: xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn.
- Đình Dược Hạ: xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn.
- Đình Đức Hậu: xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn.
©NCCông 2017-2022, Den So (Phu Lo) community hall