843 Mach Trang community hall
Đình Mạch Tràng
h.Đông AnhThục Phánsông HồngĐình Mạch Tràng có từ cuối thời Hậu Lê. Thờ: đức vua An Dương Vương. Lễ hội: ngày 6 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1997). Vị trí: 4V66+2Q2, xã Cổ Loa, H. Đông Anh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 13km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: Cây Đa Bác Hồ - Km 5+800 Quốc Lộ 3 (xe 15, 17, 43, 46)
Du khách từ Hà Nội đi xe bus số 15 hoặc 17, 43, 46 rồi xuống ở trạm dừng “Cây Đa Bác Hồ - Km 5+800 Quốc Lộ 3”. Từ đó đi khoảng 600m đến ngã ba chợ Mạch Tràng thì rẽ trái đi tiếp hơn 300m sẽ thấy chùa và đình ở cạnh nhau bên phải đường làng.
Địa lý
Thôn Mạch Tràng còn gọi Mạch Trường hay Mạch Dương, theo truyền thuyết là nơi dự trữ lương thảo đặt ở sát ngoài vòng thành thứ ba, phía tây nam kinh đô Cổ Loa của An Dương Vương vào thế kỷ III trước Công nguyên. Sử sách chép Lý Phật Tử và Ngô Quyền đều từng đóng đô tại Cổ Loa. Đầu thế kỷ XIX, Mạch Tràng là một trong 8 xã của tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (từ 1831 cắt về tỉnh Bắc Ninh). Bên cạnh nghề trồng lúa, dân làng còn làm thứ bún và bánh cuốn cổ truyền nổi tiếng vì không dùng chất tẩy trắng.
- Cổng đình Mạch Tràng và am Mỵ Châu. Photo ©NCCông 2022
Mạch Tràng nằm ở bờ bắc sông Hoàng Giang và phía nam con đường sắt chạy từ ga Cổ Loa đến sông Ngũ Huyện Khê. Phía nam sông Hoàng Giang thông với sông Hồng lại có Quốc lộ 3 nối Cầu Đuống với Quốc lộ 5 kéo dài (AH14). Mạch Tràng chỉ cách sông Hồng và sông Đuống hơn 2km. Giao thông thuỷ bộ ngày nay như vậy đều rất thuận tiện.
Lược sử
Đình Mạch Tràng thờ An Dương Vương. Tương truyền, vua là thủ lĩnh một bộ lạc Việt đã thắng Hùng Vương thứ 18, sáp nhập nước Văn Lang thành nước Âu Lạc rồi cho xây thành Cổ Loa và đóng đô tại đó. Khi quân Nam Việt sang xâm lược, vua đã dùng nỏ liên châu của tướng Cao Lỗ tiêu diệt, khiến Triệu Đà phải giảng hoà và xin làm thông gia.
- Am Mỵ Châu. Photo ©NCCông 2022
Cuối cùng An Dương Vương bị quân Nam Việt đánh úp sau khi Trọng Thuỷ lấy cắp lẫy nỏ. Đức vua thua trận đã rút gươm chém con gái Mỵ Châu rồi tự sát. Đời sau thương tiếc Mỵ Châu và nhớ ơn An Dương Vương nên nhân dân đã lập đền thờ hai người không chỉ ở Cổ Loa mà ở cả các vùng xa đến tận Nghệ An. Các triều đại vua Việt Nam đã ban nhiều đạo sắc phong để An Dương Vương được thờ phụng trong các ngôi đình như đức thành hoàng làng.
Giới khảo cổ học vào thế kỷ XX cũng đã tìm thấy các dấu tích của con người quần cư tại vùng Cổ Loa từ trước Công nguyên cho đến đầu thời Bắc thuộc tại những di chỉ đồ đá, đồ gốm và đồ đồng. Bên ngoài bảo tàng Cổ Loa, một số đồ gốm trong những phát hiện khảo cổ học cũng được trưng bày ngay trong ngôi đình Mạch Tràng. Năm 2012, toàn bộ khu vực Cố Loa và xung quanh được Nhà nước nâng cấp xếp hạng thành Di tích quốc gia đặc biệt.
- Sân đình Mạch Tràng. Photo ©NCCông 2022
Tương truyền đình thôn Mạch Tràng có từ lâu đời. Tuy nhiên nhiều hiện vật còn lại trong đình cho thấy có niên đại từ cuối thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XIX. Năm 1997, đình đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Nhân sự kiện này, chính quyền địa phương sau đó cũng được cấp kinh phí Nhà nước để trùng tu ngôi đình.
Kiến trúc
Ngôi đình nằm trong khuôn viên cây cối xanh mát trên một gò đất thấp rộng khoảng 3.000m2 ở đầu phía tây thôn Mạch Tràng. Trước cổng là con đường làng và sân vận động. Sau cổng nghi môn kiểu tứ trụ là một sân rộng hơn 2000m2. Mặt đình quay về phía tây nam và nhìn qua cổng ra cánh đồng ven sông Hoàng Giang. Bên hữu đình là am Mỵ Châu gồm 2 nếp nhà 3 gian xếp song song thành hình “chữ Nhị”, phía trước có dãy nhà hữu vu 5 gian dọc.
- Hông đình Mạch Tràng. Photo ©NCCông 2022
Toà tiền tế 3 gian xây tường hồi bít đốc tay ngai, phía trước có giếng ngọc và bên tả là ngôi chùa làng. Sau toà tiền tế gần 2m là toà đại đình cửa bức bàn. Các bộ vì làm kiểu “thượng giá chiêng, hạ chồng rường, tiền kẻ, hậu bảy” dựa trên 6 hàng chân cột. Bốn mái lợp ngói ri với đầu đao cong và trên bờ nóc là tượng các linh thú. Toà hậu cung nối vào gian giữa toà đại đình theo hình “chữ Đinh”.
Di sản
Các mảng trang trí bằng chạm khắc gỗ tập trung tại 2 bộ vì ở gian giữa với đề tài “tứ linh, tứ quý”. Các hương án, long ngai, bài vị, kiệu bát cống, hạc và rùa thờ được tạo tác từ cuối thời Hậu Lê. Ngoài ra còn có nhiều hoành phi, câu đối, 01 cuốn thần phả chữ Hán và 08 đạo sắc phong thời Nguyễn, sớm nhất là năm Gia Long nguyên niên (1802) và muộn nhất là Khải Định thứ 9 (1924).
- Trong tiền tế đình Mạch Tràng. Photo ©NCCông 2022
Lễ hội chính của làng Mạch Tràng được tổ chức hằng năm vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch cùng 7 làng khác trong tổng Cổ Loa cũ để tướng nhớ công ơn của An Dương Vương.
Di tích lân cận
- Chùa Cổ Loa (Bảo Sơn Tự): thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa.
- Chùa Lại Đà (Cảnh Phúc Tự): thôn Lại Đà, xã Đông Hội.
- Đền Lê Xá: thôn Lê Xá, xã Mai Lâm.
- Đình, đền Hội Phụ: thôn Hội Phụ, xã Đông Hội.
- Đình, miếu Lại Đà: thôn Lại Đà, xã Đông Hội.
- Khu di tích Cổ Loa: thôn Cổ Loa, xã Cổ Loa.
©NCCông 2013-2022, Mach Trang community hall