849 Dinh Ca community hall

Đình Cả

huyền sửsông Hồngh.Mê Linh

Đình Cả có từ thời Lê. Thờ: đại vương Hoàng Tuyển - tướng của vua Hùng thứ 18. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1997). Vị trí: thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê, 5P84+J7M, Mê Linh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30 km (hướng 11 h). Trạm bus lân cận: Trường Mầm Non Văn Khê - Đê Tả Sông Hồng (xe 112)

Lược sử

Thành lập năm 1965, Văn Khê là một xã nông nghiệp thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Theo số liệu năm 1999, xã có diện tích 13,42 km², mã hành chính 09013, dân số 11.810 người, mật độ dân số 880 người/km². Giao thông đường bộ chủ yếu là con đê Tả sông Hồng, nơi có tuyến xe bus 112 đi qua.

Đình Cả thuộc Xóm Chùa của thôn Khê Ngoại, xã Văn Khê và nằm trên một khoảnh đất cao ráo, cách ngôi đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi hơn 3 km. Cổng đình mở ra con đường liên xã ở cách sông Hổng chỉ khoảng 2km. Phía trước đình có cây cầu nhỏ bắc ra sới vật hình tròn ở giữa một ao lớn. Bên kia đường là tam quan của ngôi chùa Diên Phúc Tự dẫn khách đi vào một khuôn viên khá rộng.

Cổng đình Cả. Ảnh ©NCCong 2022

Ngôi đình có từ khoảng đầu thế kỷ XVIII, dưới thời Lê trung hưng, căn cứ niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786) khắc trên tấm bia đá hiện còn và kiểu dáng kiến trúc cùng với các di vật nghệ thuật điêu khắc dân gian của ngôi đình. Trong cung cấm thờ bài vị thành hoàng làng, theo thần tích là Hoàng Tuyển, hiệu Quốc Hoàng đại vương, một trong các vị tướng đã giúp vua Hùng thứ 18 đánh lại quân Thục.

Năm 1997, ngôi đình được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Ngôi đình mới được trùng tu, mặt quay về phía tây nam nhìn ra đê Tả sông Hồng. Cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ, ngay sau cổng là các bia đá cổ, mỗi bên dựng 3 tấm.

Sân đình Cả. Ảnh ©NCCong 2022

Tòa đại bái gồm 5 gian 2 chái dựa trên 6 hàng chân. Bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường hạ bẩy”, riêng hai vì kèo, hai đốc mái kết cấu theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Từ cột cái đến các cột quân là những khối gỗ to gác lên nhau đỡ đòn tay tạo thành bức cốn nách chạm khắc các hình vân xoắn, đao mác trau chuốt, điêu luyện. Từ cột quân đến cột hiên vươn ra hai mái là hai kẻ to, nặng được đục chạm vân xoắn, đao mác.

Riêng các đầu kẻ bẩy hiên được đục chạm cả hai mặt hình rồng, vây mác tua tủa, hai bên thân tròn, đuôi thẳng như đuôi cá, xung quanh chạm khắc hình vân xoắn, đao mác, sóng nước, hoa lá,… Xung quanh toà đại bái có các khung cửa làm theo kiểu “thượng song hạ xây tường”. Riêng khung 3 bộ cửa chính giữa được làm theo kiểu “thượng song hạ bản”.

Mặt trước đình Cả. Ảnh ©NCCong 2022

Ống muống được nối vào toà đại bái bằng hệ thống xà và dui, thượng lương với hệ thống cột cái gian chính giữa chạy dọc về phía sau nối với tòa hậu cung chạy ngang tạo thành hình “chữ Công”. Ống muống có diện tích mặt bằng khá rộng gồm 2 gian, 4 hàng chân cao bằng đại bái. Hai mái cũng lợp ngói ri, toàn bộ phần ống muống được làm trần ván. Phần kết cấu được đặt trên 4 cột, bộ vì kèo trên làm theo kiểu “thường rường hạ bẩy”.

Hậu cung gồm 3 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, nền cao hơn nền đại bái. Mái được làm theo kiểu chồng diêm, 2 tầng 4 mái. Phần cổ diêm được bưng kín bằng những ván mỏng, các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng hạ kẻ”. Gian giữa hậu cung làm sàn cách nền 2,10 m để đặt long ngai bài vị của thành hoàng làng. Phần này được ngăn cách bởi bộ cửa bức bàn trang trí hình tứ linh và sơn son thếp vàng, xung quanh bưng ván, làm trần bằng ván gỗ mỏng.

Đại đình Cả. Ảnh ©NCCong 2022

Di vật

Trong ngôi đình Cả hiện lưu giữ được nhiều tác phẩm điêu khắc trên các bức cốn nách, kẻ, bẩy, dép hoành, đầu dư,… Dưới câu đầu là một hệ thống đầu dư được trang trí bằng cách chạm lộng. Tám đầu dư thể hiện hình rồng với tư thế nhìn thẳng, đao mác làm theo lối râu trê.

Bốn bức cốn nách gian giữa tòa đại bái được trang trí chủ yếu là hình rồng với thân nhỏ, gấp khúc, vây cá chép, đao mác mập đầy, đuôi vung ra. Hai bức cốn phía trong cạnh hình rồng càm “chữ Thọ” có các họa tiết trang trí hình trám lồng với các họa tiết vân xoắn và đao mác trông vừa mạnh mẽ vừa uyển chuyển. Hai bức cốn trước cửa hậu cung chạm hình rồng phun nước, dưới cột nước có hình cá chép. Bên cạnh hình rồng là long mã trong thế phi nước đại, rùa thần bơi và chim phượng đậu cùng với các họa tiết sóng nước, hoa lá sen, vân xoắn, đao mác.

Chạm khắc trong đình Cả. Ảnh ©NCCong 2022

Ngoài ra trong ngôi đình Cả còn có một số cổ vật độc đáo, đặc biệt là các di vật làm bằng đồng và các đồ thờ bằng gỗ được chạm trổ khá tinh xảo.

Di tích lân cận

849 Dinh Ca community hall ©NCCông 2022