852 Thien Co temple

Đền Thiên Cổ

h.Mê Linhnhà Trầnsông Hồng

Đền Thiên Cổ có từ thời Hồ. Thờ 4 đại quý tộc thời Trần: Trần Liễu, Lã Thị Thái, Trần Quang Khải, Trần Quốc Thành. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: 5JHV+PW, thôn Thọ Lão, xã Tiến Thịnh, H. Mê Linh, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 37km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Trường Mầm Non Văn Khê - Đê Tả Sông Hồng (xe 112)

Cổng đền Thiên Cổ. Photo ©NCCong 2022

Địa lý

Tiến Thịnh là một xã nông nghiệp trù phú ven sông Hồng, nay thuộc huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội. Phía đông giáp xã Chu Phan và phía bắc giáp 2 xã Vạn Yên, Liên Mạc (cả ba xã cùng huyện Mê Linh). Phía tây giáp 2 xã Trung Kiên và Trung Hà (đều thuộc về huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) Phía nam giáp xã Vân Hà (huyện Phúc Thọ) và xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Giao thông thuỷ bộ đều thuận tiện nhờ bến cảng Thanh Điềm trên sông Hồng và con đường tỉnh lộ DT308.

Xã Tiến Thịnh có tổng diện tích đất tự nhiên 741 ha. Ngoài trồng lúa, trồng màu và chăn nuôi, nhân dân trong xã còn có các nghề truyền thống khác như làm kẹo, bánh đa nem và mì bún, v.v.. Dân số năm 2019 là 13.094 người, sinh sống trong 7 thôn: Yên Thị, Trung Hà, Yên Giáp, Kỳ Đồng, Thanh Điềm, Chu Trần, và Thọ Lão.

Thôn Thọ Lão đứng thứ hai trong xã về số dân và được chia làm 3 khu dân cư gồm 538 hộ với 2.555 nhân khẩu trên tổng diện tích đất tự nhiên 171,53 ha. Trong thôn có đền Thiên Cổ và chùa Bảo Lâm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng năm 1995 là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Lược sử

Đền thờ An Sinh vương Trần Liễu, Hoàng phi phu nhân Lã Thị Thái, Thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải, và Uy Minh vương Trần Quốc Thành. Đây là 4 vị đại quý tộc có thành tích to lớn trong công cuộc mở mang triều đại nhà Trần và kháng chiến thắng lợi chống quân Nguyên xâm lược, bảo vệ nước Đại Việt của thế kỷ XIII. Các vị được vua cho đất lập làm điền trang thái ấp, trong đó có Chu Trần - Thọ Lão vốn là một cứ điểm ngăn giặc phương bắc đi theo sông Hồng tiến đánh kinh thành.

Sân trong đền Thiên Cổ. Photo ©NCCong 2022

Để tưởng nhớ các điền chủ đầu tiên của trang ấp, đền Thiên Cổ được xây dựng vào thời nhà Hồ, chừng cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV xét theo tư liệu lịch sử và niên đại của các di vật. Ngôi đền được sửa chữa lớn vào thời Lê sơ và thời Mạc, đến giữa thế kỷ XX thì bị tàn phá nặng nề do chiến tranh và hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất. Nhờ có các nguồn đóng góp của nhân dân địa phương và kinh phí nhà nước hỗ trợ cho mấy đợt trùng tu năm 1986, 1993, 2013, hiện nay đền khá khang trang.

Trong đền Thiên Cổ. Photo ©NCCong 2022

Kiến trúc

Ngôi đền toạ lạc ven con đường tỉnh lộ DT308 trên một thế đất cao và theo thuyết phong thủy được coi là đắc địa. Cổng đền là tam quan ngoại, cửa chính cao 2 tầng nhìn sang chợ Thọ Lão ở hướng tây. Tam quan nội nhìn về hồ nước ở hướng đông. Du khách bước qua cổng sẽ thấy lối đi thoai thoải xuống hồ, bên tay phải là vườn, bên tay trái là nhà bia và khu đền chính.

Khu đền chính có mặt bằng hình “chữ Công”. Sau nghi môn nội trên nền cao 3 bậc là sân trong với nhà tả hữu vu 3 gian thấp ở hai bên. Toà đại bái 5 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc tay ngai trên nền cao hơn và nối với hậu cung bằng ống muống. Các bộ vì dựa trên 6 hàng cột, mái lợp ngói ri, trên bờ nóc có đắp tượng lưỡng long chầu nguyệt.

Di sản

Trong đền hiện vẫn còn nhiều mảng chạm khắc tinh xảo có giá trị nghệ thuật với các đề tài long, ly, quy, phượng và tùng, cúc, trúc, mai. Hình tượng rồng được thể hiện phong phú dưới dạng: rồng phun nước, rồng uốn khúc, rồng ngậm ngọc, rồng chầu mặt nguyệt... và mang phong cách độc đáo của thời Hậu Lê vào cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII. Đặc biệt đền lưu giữ được một số cổ vật quý như: 4 ngai thờ chạm trổ công phu, 01 cỗ kiệu bát cống, án gian, mâm quy, lư hương đá, chuông đồng.

Bia đá đền Thiên Cổ. Photo ©NCCong 2022

Về tư liệu chữ Hán, ngoài hoành phi, câu đối, trong đền còn có bản ngọc phả do Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc (1572), tấm bia khắc năm Cảnh Hưng 24 (1763), và 10 đạo sắc phong cho 4 vị.

Di tích lân cận

©NCCông 2022, Thien Co temple 852