858 Xom Xa community hall

Đình Xóm Xá

h.Chương Mỹsông Đáyhuyền sử

Đình Xóm Xá có từ lâu đời. Thờ: Tam vị thành hoàng, tướng của vua Hùng. Lễ hội: 12-15 tháng Giêng âm lịch. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1988). Vị trí: WPC5+2QV, TT. Chúc Sơn, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 21km (hướng 8h). Trạm bus lân cận: UBND Thị Trấn Chúc Sơn (xe 124)

Giới thiệu

Đầu thế kỷ XIX, Chúc Sơn là tên một tổng và một xã thuộc huyện Chương Đức, phủ Ứng Thiên (sau đổi thành Ứng Hòa), trấn Sơn Nam Thượng. Năm 1831, tỉnh Hà Nội được thành lập, huyện Chương Đức thuộc về phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội. Khi đó tổng Chúc Sơn gồm thôn Giáp Ngọ và 8 xã: Chúc Sơn, Ninh Sơn, Chúc Lý, Đại An Trường, Đại Phẩm, Đồng Lệ, An Khê, An Duyệt.

Đến đầu thế kỷ XX, tổng Chúc Sơn thuộc huyện Chương Mỹ, gồm: 2 thôn Chúc Lý, Ngọc Giả thuộc xã Chúc Lý; 2 thôn Ninh Sơn, Vĩnh Yên thuộc xã Ninh Sơn; và 7 xã: Chúc Sơn, Đại An Trường, Đại Phẩm, Đồng Lệ, Giáp Ngọ, An Khê, Trường An. Năm 1990, thị trấn Chúc Sơn được thành lập, đến năm 2005 được mở rộng diện tích tự nhiên thành 552 ha và có dân số 9.254 người.

Cổng đình Xóm Xá. Photo ©NCCong 2022

Lược sử

Truyền thuyết kể rằng ở động Lăng Xương, phủ Hưng Hoá, đạo Sơn Tây xưa kia có vợ chồng ông Hàn Nguyên làm nghề bốc thuốc và bà Lê Thị Ngọc sống hiền lành, đức độ. Hai người sinh được một bé trai tướng mạo khác thường, đặt tên là Cương Chính. Lên 10 tuổi cậu bị mồ côi cha, phải theo mẹ về huyện Chương Đức kiếm sống rồi được quan huyện là Trương Tuấn nuôi dưỡng và cho học thành tài.

Lớn lên, Cương Chính được vua Hùng giao cho cầm quân dẹp loạn miền núi. Thắng trận trở về, ông được vua ban cho trang Chúc Sơn. Tại đó, ông dạy dân cách cày cấy, trồng trọt, nuôi tằm, dệt lụa. Khi giặc Ân xâm lược nước Văn Lang, ông cùng hai vị thuỷ thần là Uy Linh công và Tam Tế công đến giúp Thánh Gióng lập công đánh đuổi giặc. Sau khi các ngài hoá, nhân dân địa phương đã lập đền thờ.

Sân đình Xóm Xá. Photo ©NCCong 2022

Ngôi đình Xóm Xá của thôn Chúc Sơn đã được nhân dân cả 4 giáp Đông Nội, Đoài Nội, Đông Xá và Đoài Xá hưng công xây dựng làm nơi sinh hoạt chung và phụng thờ Tam vị thành hoàng gồm Cương Chính, Uy Linh công và Tam Tế công. Đình hiện nay nằm cách Hồ Gươm 21km về phía tây nam theo đường quốc lộ QL6.

Chính sử chép rằng tại vùng Chúc Sơn vào năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn đã đánh thắng giặc Minh 2 trận lớn ở bến Ninh Kiều (ngày 13 tháng 9) và ở cánh đồng Tốt Động – Chúc Động (từ ngày 5 đến 7 tháng 11), đều thuộc bên hữu ngạn Ninh Giang tức sông Đáy.

Năm 1988, ngôi đình Xóm Xá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Hậu cung đình Xóm Xá. Photo ©NCCong 2022

Kiến trúc

Ngôi đình nằm giữa Xóm Xá trên thế đất cao. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ̣, thân đắp câu đối chữ Hán. Trước cổng là hồ nhỏ và có cầu bắc ra thuỷ đình. Trong sân có cổ thụ và hai dãy tả, hữu vu. Toà đại bái 5 gian 2 chái, mặt nhìn về phía tây nam. Các mái đều lợp ngói ri, trên bờ nóc đắp hình linh thú. Bộ vì dựa trên 4 hàng cột gỗ tròn có kê chân bằng đá xanh.

Toà hậu cung sâu 2 gian, bên ngoài nối với gian giữa đại bái theo hình “chữ Đinh”, bên trong đặt khám thờ Tam vị thành hoàng, lưu giữ các sắc phong và bản ngọc phả. Cửa ra vào cung cấm được chạm nổi tinh xảo các hình tứ linh. Một số mảng kiến trúc gỗ khác cũng được chạm khắc sinh động các đề tài truyền thống.

Chạm khắc ở đình Xóm Xá. Photo ©NCCong 2022

Hằng năm tử ngày 12 âm lịch đến rằm tháng Giêng, chính quyền và nhân dân trong xã lại tổ chức lễ hội để tưởng nhớ công lao của Tam vị thành hoàng.

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2022, Xom Xa community hall