860 Dang family temple

Hữu Phủ Từ

h.Chương MỹLê trung hưngsông Đáy

Hữu Phủ Từ là nhà thờ chi họ Đặng ở thôn Lương Xá, được xây năm 1647. Thờ: Hậu Trạch Công Đặng Huấn và các hậu duệ. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1999). Vị trí: VPJF+5F, xã Lam Điền, H. Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 23km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Đình Lương Xá (xe 124)

Lược sử

Phủ thờ họ Đặng ở làng Lương Xá, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ còn gọi là Hữu Phủ Từ, được chúa Trịnh Tráng cho xây năm Đinh Hợi, niên hiệu Phúc Thái thứ 5 triều Lê (1647) để thờ ông ngoại là Đặng Huấn (1519-1590). Thuở nhỏ, Đặng Huấn sống ở quê ngoại thôn Bối Khê, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên. Mẹ đẻ mất mới về quê mẹ kế ở Hạ Thôn, xã Thịnh Phúc, nay là thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên.

Đặng Huấn là cháu rể Lê Bá Ly đại thần nhà Mạc. Năm 1550, ngài và một số tướng theo Lê Bá Ly bỏ Mạc về với Trịnh Kiểm. Ngài làm đến chức Thiếu phó, thứ nữ Đặng Thị Ngọc Giao làm thái phi của Trịnh Tùng và sinh ra Trịnh Tráng. Dinh thự của con trưởng Đặng Huấn là Hà quận công Đặng Tiến Vinh (1562-1625) hiện còn di tích tại Thụy Dương, nay thuộc thôn Hoa Sơn, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ. Lăng mộ Hà quận công toạ lạc tại xã Đại An Tràng, nay là làng Đại Ân cùng huyện.

Cổng Hữu Phủ Từ. Photo ©NCCong 2021

Tiến Vinh sinh được 8 con trai, trong đó có Doanh quận công Đặng Thế Tài, trấn thủ Sơn Tây và Bồi tụng Đặng Thế Khoa (1593-1656). Chắt của Đặng Huấn là Yên quận công Đặng Tiến Thự (1630-1697) làm trấn thủ Nghệ An đã mua gỗ lim và sai cháu là Đặng Tiến Bá trùng tu Hữu Phủ Từ. Tiến Thự có 17 người con, trong đó Đặng Tiến Sở, Đặng Tiến Luân, Đặng Tiến Lân, Đặng Đình Tướng, Đặng Đình Trứ đều là đại thần nhà Lê trung hưng.

Hiện còn tư liệu về Đại tư đồ Đặng Tiến Lân (1667-1731) trong bài ký chữ Hán khắc trên tấm bia đá ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 12 (1751) dựng tại làng Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức. Quốc lão Đặng Đình Tướng (1649-1735) có nhà thờ ở xã Thụy Hương, con là Đặng Đình Hiển, Đặng Đình Gián, Đặng Đình Quỳnh và cháu là Đặng Đình Mật đều lấy con cháu chúa Trịnh.

Hữu Phủ Từ. Photo ©NCCong 2021

Sang thời Tây Sơn lại có Đặng Tiến Đông (1738-1801), cháu 6 đời của Đặng Huấn, làm đến Đại đô đốc của vua Quang Trung. Hiện còn tấm bia được dựng trước chùa Thủy Lâm ở thôn Lương Xá vào ngày 15 tháng 6 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 5 (1797). Trên bia đá có khắc bài văn bia tưởng niệm Đặng Tiến Đông do Phan Huy Ích soạn, Ngô Thì Nhậm nhuận sắc. [1]

Đến thời Nguyễn, Binh Bộ thượng thư Đặng Trần Thường (1759-1816), cháu 9 đời của Đặng Huấn, cho trùng tu Hữu Phủ Từ vào năm Bính Dần niên hiệu Gia Long thứ 5 (1806). Ngài là một trong những công thần hạng nhất giúp vua Gia Long diệt nhà Tây Sơn nhưng sau bị xử giảo. Vua Tự Đức năm 1868 và vua Khải Định năm 1925 đã giải oan, phục chức và định lệ thờ cúng. [2]

Chính điện Hữu Phủ Từ. Photo ©NCCong 2021

Họ Đặng từ cụ Đặng Huấn đến nay đã có hàng trăm hậu duệ nổi tiếng. Điển hình là Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh (1907-1988), thuộc chi Bính Ngũ, cháu mười bốn đời. Năm 1999, Hữu Phủ Từ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Kiến trúc

Hữu Phủ Từ nằm đối diện ngôi đình làng Lương Xá. Năm 2002, Nhà nước đã cấp kinh phí để trùng tu lại Hữu Phủ Từ một lần nữa. Gần đây hậu duệ lại dựng một bức tường bao với cổng mở ra đường làng, Trong sân có một cổng cũ xây kiểu nghi môn tứ trụ, bên phải là nhà khách. Hữu Phủ Từ nhìn về phía và có mặt bằng xây dựng theo hình “chữ Nhị”. Giữa hai toà đại bái và hậu cung là một giếng trời hẹp. Phần gỗ bào trơn đóng bén đơn giản, tiếc rằng mới 20 năm mà đã bị mọt.

Bên trong Hữu Phủ Từ. Photo ©NCCong 2021

Di tích lân cận

©NCCong 2013-2022, Dang family temple

[1Họ Đặng ở Lương Xá trước đây có 9 gia phả, nay chỉ còn 3 bộ: Đặng gia phả hệ toàn chính thực lục, do Đông Lĩnh hầu Đặng Tiến Đông soạn năm 1792. Đặng gia phả ký tục biên biền thuyết, do Hiển Trung hầu Đặng Đình Quỳnh soạn năm 1763 và Đặng thế gia phả ký do nhà báo Đăng Văn Phái, quê xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, soạn năm 1938. Có người lại cho rằng Đặng Tộc Đại Tông Phả do Tổng trấn trọng thần Đặng Tiến Thự viết năm 1683, Quốc lão Ứng quận công Đặng Đình Tướng tục biên năm 1686, Thái Nhạc quận công tái tục biên năm 1745, cho biết tổ tiên Đặng Tiến Đông là Đặng Tất.

[2Xem thêm “Kẻ sĩ thời loạn”, tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Vũ Ngọc Tiến do NXB Phụ Nữ ấn hành.