875 Kim Thuong community hall

Đình Kim Thượng

h.Sóc SơnHai Bà Trưngsông Cà Lồ

Đình Kim Thượng có từ thời Lê trung hưng. Thờ các vị thành hoàng: Quý Minh sơn thần, Đống Vĩnh đại vương và Đức thánh Tam giang. Xếp hạng: Di tích thành phố (2003). Vị trí: 6W35+H4, thôn Kim Thượng, xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 30 km (hướng 13 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện UBND Kim Lũ (xe 161)

Địa lý

Kim Lũ là một xã nông nghiệp vùng đồng trũng nằm ở phía đông nam huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Phía tây giáp xã Đông Xuân, phía bắc giáp xã Đức Hòa, phía nam giáp huyện Đông Anh và xã Xuân Thu, phía đông giáp tỉnh Bắc Ninh. Xã có mã hành chính 00439, diện tích đất tự nhiên 471 ha, dân cư theo điều tra năm 2015 gồm có 11.074 người, chủ yếu sinh sống trong 4 thôn: Xuân Dương, Kim Trung (Lủ Trung), Kim Hạ (Lủ Hạ), và Kim Thượng (Lủ Thượng).

Xã vốn hình thành từ một làng Việt cổ có tên nôm là Cờ Lủ, sau gọi là Lủ, tên chữ Kim Lũ. Tương truyền, xưa kia làng này từng cung cấp các hiệp thợ ngoã tham gia xây dựng kinh đô cho nhiều triều đại phong kiến của cả phương bắc lẫn phương nam như Kiến Nghiệp (Nam Kinh), Hoa Lư, Thăng Long, Huế...

Bên tả đình Kim Thượng. Photo ©NCCong 2022

Năm 2003, UBND TP Hà Nội đã xếp hạng đình Kim Thượng là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật thành phố.

Lược sử

Đình Kim Thượng còn gọi đình làng Lo, có từ lâu đời. Một số mảng kiến trúc và chạm trổ còn lại in rõ phong cách nghệ thuật thời Lê trung hưng, hơn nữa niên hiệu Bảo Thái thứ 4 (năm 1723) đời vua Lê Dụ Tông đã xuất hiện trong bài ký ghi tên những người hiền tài, có khắc trên tấm bia hậu hình trụ bốn mặt được dựng tại đình. Trong hậu cung thờ các vị thành hoàng làng gồm: Quý Minh sơn thần, Đống Vĩnh đại vương - tướng của Hai Bà Trưng, và Đức thánh Tam giang (tức anh em Trương Hống, Trương Hát - tướng của Việt vương Triệu Quang Phục).

Bên hữu đình Kim Thượng. Photo ©NCCong 2022

Theo các cụ cao tuổi trong làng Kim Thượng, ngôi đình trước kia rất bề thế và hoàn chỉnh, gồm toà tiền tế và đại bái xếp thành hình “chữ Nhị”, phía trước có cổng nghi môn với hai cột trụ lớn. Mặt đình nhìn về phía tây nam qua sân gạch, cổng, đường làng và một ao nước rộng hình chữ nhật với nhiều cổ thụ.

Kiến trúc

Hiện nay ngôi đình vẫn quay hướng cũ, tuy nằm trong khuôn viên có diện tích chỉ còn lại khoảng 900m2. Kiến trúc trông vẫn khá đồ sộ với toà đại bái 7 gian, 2 chái, 3 gian giữa có cửa bức bàn, các gian bên có cửa nhỏ. Bốn mái chảy lơp ngói mũi hài và ngói ta, các đầu đao cong được đắp hình con kìm, bờ nóc kiểu bờ đinh không trang trí. Bên trong có 10 hàng chân cột. Bên ngoài trên các cây cột và bẩy hiên không may đã lộ rõ tình trạng xuống cấp nghiêm trọng theo thời gian.

Hàng hiên đình Kim Thượng. Photo ©NCCong 2022

Toà hậu cung 3 gian dọc xây đầu hồi bít đốc tay ngai và kết nối với gian giữa toà đại bái thành hình “chữ Đinh”. Mái cũng lơp ngói mũi hài và ngói ta. Bộ vì kèo làm kiểu quá giang, bào trơn đóng bén không trang trí. Phía trước chính điện là bức cửa võng sơn son thiếp vàng được trang trí hình lưỡng long trào nguyệt, văn lá cách điệu, hai bên bài trí một hổ phù và bộ bát bửu. Trước cửa cung cấm có bức đại tự với 4 chữ Hán “Thánh cung vạn tuế”.

Di sản

Ngoài tấm bia Bảo Thái đã nói, trong đình còn có một quả chuông đồng mang niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839). Hội đình hàng năm đều nhắc lại truyền thuyết Ngưu tinh [1] liên quan đến việc kết nghĩa anh em giữa hai làng Kim Lũ Thượng và Châu Lỗ (Bắc Giang) vào thế kỷ XVI. Bản quy ước đã được hai bên chép lại bằng chữ Nôm và cất giữ nguyên vẹn cho đến bây giờ.

Quy ước giữa làng Kim Lũ và Châu Lỗ. Photo ©NCCong 2022

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Ngày 16-4-1593, vua Lê ban chiếu đại xá và cho mở hội mừng Trịnh Tùng cùng quan quân đuổi được nhà Mạc lên Cao Bằng. Dân Kim Thượng trói một con trâu trắng để làm lễ tế thần đêm 11-9, không ngờ trâu lồng đứt dây chạy mất. Sớm 12-9, dân làng Châu Lỗ ngạc nhiên thấy một con trâu lạ nằm phục trước cửa đình. Vừa lúc ấy, dân Kim Thượng hỏi thăm tin tức đã tìm đến nơi. Bô lão Châu Lỗ mời khách trà nước và nói cứ dắt trâu về, không nhận tiền chuộc. Nhưng trâu cứ nằm lỳ, dân Kim Thượng phải làm lễ tạ thánh thần mới dắt được. Sau đó hai làng bèn gọi trâu là “Ngưu Tinh” rồi kết chạ...

©NCCông 2017-2022, Kim Thuong community hall