88 Le Thai To street

Phố Lê Thái Tổ

hồ Gươmphố

Phố Lê Thái Tổ dài 690m, từ ngã tư Hàng Gai—Hàng Đào đi dọc bờ tây Hồ Gươm qua các phố Đinh Tiên Hoàng, Lương Văn Can, Bảo Khánh, Hàng Trống đến ngã tư Tràng Thi—Bà Triệu—Hàng Khay. Nay thuộc phường Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 30m. Trạm bus lân cận: BĐX Bờ Hồ (xe 09, 14), ngã ba Lê Thái Tổ—Hàng Trống (09, 31, 36).

Giới thiệu

Phố Lê Thái Tổ đi từ cuối phố Hàng Đào đến đầu phố Bà Triệu dài 690m. Đây là đường một chiều với những đoạn dốc thoai thoải dưới hai hàng cổ thụ to lớn che mát. Giao thông khá thuận tiện do hè phố rộng rãi, lại có nhiều chuyến xe bus chạy qua với điểm dừng ở trên phố hoặc gần đấy. Phố được hình thành vào năm 1889 như phần phía tây của con đường chạy chung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Đầu phố Lê Thái Tổ - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Photo ©NCCông 2018

Bên trái phố là con đường lát gạch dành cho người đi bộ men theo bờ tây Hồ Gươm và xung quanh có những ghế đá, thảm cỏ, luống hoa. Du khách bất cứ lúc nào cũng có thể dừng chân ngắm nhìn những thắng cảnh như đền Ngọc Sơn và Tháp Rùa nổi trên mặt nước trong xanh phản chiếu làn da trời.

Đầu phố có quảng trường Đông kinh Nghĩa thục nằm cách không xa ngôi nhà cũ của gia đình cụ hiệu trưởng là cử nhân Hán học Lương Văn Can. Tiếp theo là nhà Thủy Tạ ven hồ rồi tới trụ sở của báo Nhân Dân, các ngân hàng và công ty lớn, cùng những nơi giải trí và nhà hàng nổi tiếng từ lâu...

Nhà hàng Thuỷ Tạ. Photo ©NCCong 2015

Theo hướng bắc-nam, phố Lê Thái Tổ đi qua ngôi đền Đông Hương và phần đất xưa kia của các thôn Khánh Thụy Tả, Khánh Thụy Hữu, Tự Tháp, Phúc Phố, Thị Vật, Tô Mộc, tất cả đều thuộc tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương cũ. Những địa danh này vẫn còn được ghi lại trên các tấm bản đồ vẽ vào cuối thế kỷ XIX.

Truyền thuyết thần Kim Quy trao lưỡi gươm không chuôi cho chàng đánh cá Lê Lợi không hẳn là tình cờ. Nhiều thế hệ cư dân nơi đây đã từng sống bằng nghề chài lưới trên hồ Tả Vọng, tên khác là Lục Thủy (hồ nước xanh), vốn rộng mênh mang, dần dần mới bị thu hẹp như bây giờ.

Đền Vua Lê. Photo ©NCCong 2013

Ngày nay, người dân Việt thường đến một ngôi đền nhỏ dấu mình trong một khu vườn yên tĩnh để tưởng niệm vị vua khai sáng nhà Hậu Lê. Tượng đài vua được xây năm 1896, trên đỉnh là hình người anh hùng chúc ngọn kiếm xuống mặt nước hồ xanh vời vợi, trước khi trả lại cho thần Kim Quy.

Ngài sinh năm 1385 trong một gia đình lãnh chúa tại động Lam Sơn (nay thuộc huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Đầu thế kỷ XV giặc Minh xâm lược, diệt nhà Hồ và chiếm đóng nước ta, Lê Lợi với 21 vị hiền tài đã dựng cờ khởi nghĩa, chiêu mộ hào kiệt, kêu gọi nhân dân đứng lên giải phóng đất nước.

Nhà cũ trên phố Lê Thái Tổ. Photo ©NCCong 2013

Ròng rã 10 năm kháng chiến gian khổ, có lúc “quân không còn một đội” (theo Bình Ngô đại cáo). Cuối cùng với phương châm tâm công, tới năm 1428 nghĩa quân đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Lê Lợi lên ngôi, chấn chỉnh nội trị, mở mang ngoại giao, đặt nền móng độc lập lâu dài. Trong buổi đầu của triều đại, ngài đã có công phát triển đất nước trên mọi mặt. Vua tinh giảm quân đội, tổ chức lại bộ máy chính quyền từ trung ương xuống địa phương, ban hành chính sách khôi phục sản xuất nông nghiệp và ổn định đời sống xã hội. Lê Lợi cũng chú ý tới việc phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo nhân tài. Một năm sau khi ở ngôi, vua cho mở khoa thi Minh Kinh. Năm 1431 lại mở khoa thi Hoành từ. Năm 1433, trước khi mất vua còn đích thân ra đề thi văn sách.

Lược sử

Thời Lê Trung hưng, phủ chúa Trịnh đóng ở mé tây nam hồ Lục Thủy, nhà chúa thường đứng trên gò Rùa để xem thủy quân thao diễn. Thuyền lính nhỏ nên có thể đi qua hai con kênh nối thông với sông Hồng ở phía đông bắc và đông nam hồ.

Ngã phố Lê Thái Tổ - Tràng Thi. Photo ©NCCong 2015

Đến cuối thế kỷ XVIII, Đoàn Nguyễn Tuấn - một vị quan triều Tây Sơn và anh vợ của thi hào Nguyễn Du, sau đại thắng Đống Đa đã để lại 4 câu rất hay trong bài thơ chữ Hán “Kiếm hồ xạ đẩu” (Ánh sao Hồ Gươm):
Hoa khai xuân sắc hoan trùng khải
Sương lạc thu thanh khốc tặc phù
Thương hải tang điền hồ tự nhược
Thiên uy do hoạ thuỷ vân đồ.
.
Xin tạm dịch như sau:
Hoa nở sắc xuân dồn vui chiến thắng
Sương rơi tiếng thu khóc giặc tù binh
Trải dâu bể hồ vẫn nguyên như cũ
Oai trời còn mây nước vẽ thành tranh
.

Sang thời Nguyễn, Long thành bị thu nhỏ. Thôn Khánh Thụy Tả hợp với thôn Báo Thiên Tự Tháp thành thôn Báo Khánh, sau gọi chệch ra Bảo Khánh. Còn thôn Phúc Phố thì hợp với thôn Tô Mộc thành thôn Phúc Tô, nay không còn dấu vết. Bạn thân của Nguyễn Du là Phạm Quý Thích sống ở phường Báo Thiên đã có hai câu tả thực trong bài thứ 4 của chùm thơ “Kiếm hồ”:
Khói sớm nhạt, bóng chiều lành lạnh
Chim âu đến thế khéo đua bơi

Ngã phố Lê Thái Tổ—Hàng Khay. Photo ©NCCong 2015

Thời Pháp thuộc, đoạn đầu phố Lê Thái Tổ từ quảng trường Đông Kinh nghĩa thục đến ngã ba Hàng Trống mang tên “Rue Beauchamp”, dân ta quen gọi là phố Bờ Hồ. Đoạn dưới từ ngã ba Hàng Trống kéo đến phố Tràng Thi thì trước kia thuộc về phố Hàng Trống với cái tên Pháp “Rue Jules Ferry”. Cho nên đồn cảnh sát ở cuối phố được dân ta gọi là bốt Hàng Trống (nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm). Đến thời tạm chiếm (1947-1954) thị trưởng Hà Nội mới ghép đoạn này vào phố Bờ Hồ và đổi tên là phố Lê Thái Tổ. Sau 1954 tên gọi này vẫn giữ nguyên.

Sang thiên niên kỷ mới, người ta đập bỏ khách sạn Phú Gia để xây một tòa nhà quá khổ. Cũng may là tại đoạn giữa và cuối phố vẫn sót lại những tòa nhà kiểu cũ nhưng rất đẹp, được xây từ đầu thế kỷ trước. Có thể kể vài cái tên như: nhà hàng Thủy Tạ, Trung tâm Văn hóa Việt, trụ sở báo Hà Nội Mới, quán Bốn Mùa...

Di tích lân cận

©NCCông 2012-2015, Le Thai To street

Tập hồ sơ