881 Cong Xuyen village hall

Đình Cống Xuyên

h.Thường Tínsông NhuệLê trung hưng

Đình Cống Xuyên có từ thời Lê. Thờ: 3 vị nhiên thần, cùng tướng Phạm Ngũ Lão và Tổ nghề nề. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: RV36+W73, Nghiêm Xuyên, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 30 km (hướng 6 h). Trạm bus lân cận: Gần cột mốc Km5 - TL 429.

Lược sử

Cống Xuyên có truyền thống khoa bảng, mở đầu là ông Nguyễn Hữu Dục đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1544), làm đến chức Tham chính trong triều nhà Mạc. Đầu thế kỷ XIX, làng có tên là Trương Xuyên, thuộc tổng Đông Cứu, huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến đời vua Minh Mệnh, năm 1831 phủ Thường Tín thuộc về tỉnh Hà Nội. Thời Pháp thuộc, năm 1904 lại đổi là huyện Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Đông.

Làng Cống Xuyên nay thuộc xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Xã này gồm có 5 thôn, tổng diện tích 571 ha. Dân số năm 2022 đạt gần 7000 người, chủ yếu làm các nghề trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng, đan lát, v.v.. Ba thôn cổ Cống Xuyên, Nghiêm Xá, Liễu Viên đều có di tích đình, đền, chùa riêng.

Cổng đình Cống Xuyên ©NCCong 2022

Đình làng thờ 5 vị thành hoàng. Đầu tiên thờ 3 nhiên thần: Lộc Thành tôn thần đại vương, Hoằng Tế đại vương, và Hoằng Độ đại vương. Từ niên hiệu Cảnh Hưng có thêm sắc phong Phạm Ngũ Lão (tướng nhà Trần) và một vị Tổ nghề nề. Công trình được xây từ thời Lê trung hưng, căn cứ theo một tấm biển gỗ còn lưu giữ ở chái bên phải có ghi niên đại Vĩnh Thịnh 14 (1718). Đình đã nhiều lần được tu bổ; lần lớn nhất vào năm 1876.

Kiến trúc

Nghi môn gồm 2 cổng phụ, cổng chính là một nếp nhà 3 gian 2 mái 1 cửa, đều giáp mặt với đường làng và nhìn qua hồ nước về phía tây. Toà phương đình ở ngay sau cổng chính, hai bên có dãy nhà tả, hữu mạc. Tiếp theo là toà đại bái 5 gian 2 chái, tường xây gạch, mái chảy lợp ngói mũi hài. Bộ khung dựa trên 4 hàng cột gỗ lim, dưới kê chân đá có hoa văn. Bốn cột ở gian giữa có chu vi gần 2 m. Bộ vì đặt trên các đầu cột được làm theo kiểu “thượng giá chiêng chồng rường con nhị”; bộ vì hạ có kết cấu theo kiểu “chồng rường bẩy hiên”.

Tiền tế đình Cống Xuyên ©NCCong 2022

Toà hậu cung kết nối vào gian giữa toà đại bái theo hình “chữ Đinh” và chia làm 3 gian, kiến trúc cũng giống đại bái nhưng quy mô nhỏ hơn. Bên trong có bàn thờ thành hoàng và các đồ thờ tự, hoành phi, câu đối, bát hương, kiệu bát cống, sắc phong, thần phả và những văn bản về nghi lễ thờ phụng ở đình.

Di sản

Trang trí trong đình khá đa dạng với chạm khắc gỗ công phu và các mảng đắp vẽ hình bát tiên, thất thập nhị hiền, bầu rượu túi thơ, con nghê, cá chép, v.v.. Trong gian bên trái của hậu cung có treo bức tranh thờ ông Tổ nghề nề, chưa rõ tên húy. Tranh được ghép từ ba mảnh lớn làm bằng sơn mài, mảnh giữa vẽ ông Tổ ngồi xếp bằng tròn trên sập, đầu chít khăn, nét mặt đôn hậu, hai mảnh bên vẽ hai người nhìn vào ông Tổ, tay giơ lên như đang bẩm báo công việc.

Đại bái đình Cống Xuyên ©NCCong 2022

Ngày xưa từng có miếu riêng thờ Tổ, sau đưa bài vị ngài về đình để phối thờ. Những người thợ nề Cống Xuyên lập thành phường hội và làm lễ giỗ Tổ nghề vào ngày mồng 10 tháng Giêng âm lịch.

Năm 1993, đình Cống Xuyên được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

881 dinh Cong Xuyen ©NCCong 2024