884 Dong Chanh community hall

Đình Đống Chanh

h.Thường Tínsông Nhuệhuyền sử

Đình Đống Chanh có từ thời Lê. Thờ: Trung Thành Phổ Tế đại vương, tướng của vua Hùng thứ 18. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: QW73+F63, thôn Đống Chanh, xã Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 32 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: Đd Café Mê Trang - Quốc Lộ 1A (xe 06a, 06d, 101a, 101b, 108, 113).

Địa lý

Thôn Đống Chanh thuộc xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Xã này có mã hành chính 10267, tổng diện tích 466,24 ha. Dân số năm 2022 đạt hơn 1 vạn người, chủ yếu buôn bán các mặt hàng lưới, đồ câu, làm mộc,.... Xưa kia nơi đây thuộc về huyện Thượng Phúc, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng. Đến đời vua Minh Mệnh, năm 1831 phủ Thường Tín thuộc về tỉnh Hà Nội. Thời Pháp thuộc, năm 1904 lại đổi là huyện Thường Tín, thuộc tỉnh Hà Đông.

Xã Minh Cường nằm ở vị trí cực nam của huyện Thường Tín, ba mặt giáp với huyện Phú Xuyên. Địa giới phía bắc giáp xã Vạn Điểm (Thường Tín), phía nam giáp TT Phú Xuyên và xã Sơn Hà, phía đông giáp xã Văn Nhân, phía tây giáp xã Quang Trung.

Bia và hương án đình Đống Chanh. Ảnh ©NCCong 2022

Trong xã Minh Cường hiện có 4 thôn: Đống Chanh; Lam Sơn; Trần Phú, Khôn Thôn, trong đó Đống Chanh là ngôi làng cổ nhất vùng.

Lược sử

Đình Đống Chanh thờ thành hoàng làng là Trung Thành Phổ Tế đại vương, một vị tướng giỏi đánh giặc và trị thủy của Hùng Vương thứ 18. Căn cứ nội dung và niên đại trong các đạo sắc phong cũng như phong cách nghệ thuật của các di vật có thể nói công trình này được dựng vào thời Lê trung hưng và đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo.

Sau nhiều lần trùng tu, ngôi đình hiện nay đang mang dáng vẻ kiến trúc của thời Nguyễn muộn. Trong tòa trung cung ta còn thấy dòng chữ Hán ghi niên đại Bảo Đại thứ 3 (1928). Đến năm 1930, dân làng đã cho xây lại tòa đại bái. Lần trùng tu gần đây nhất là vào cuối thập kỷ 2010.

Tiền tế đình Đống Chanh. Ảnh ©NCCong 2022

Năm 1995, ngôi đình [và chùa] làng này đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ, nhìn về bãi sông Nhuệ ở phía tây nam qua một ao nước hình vuông. Trước cửa đình có một giếng tròn, bên hữu đình là con đường trục khá hẹp của làng chạy từ bắc xuống nam qua khu dân cư đang đô thị hoá. Sau cổng là sân nhỏ, hai bên có nhà tả, hữu mạc 3 gian.

Toà đại bái 3 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc, mái chảy lợp ngói ri. Bờ nóc chữ đinh, hai đầu đắp hình con kìm, giữa nóc đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Bộ khung nhà dựa trên bốn hàng cột tròn với hệ thống xà dọc, xà ngang liên kết có câu đầu khớp đỉnh cột cái. Các bộ vì nóc đều làm theo kiểu giá chiêng.

Chạm khắc đình Đống Chanh. Ảnh ©NCCong 2022

Toà trung cung lớn hơn nhưng có lối kiến trúc cũng giống như tòa đại bái với kết cấu dựa trên bốn hàng cột kê chân đá và những bộ vì nóc kiểu giá chiêng. Tòa hậu cung ba gian được nối vào gian giữa của trung cung và kéo dài về phía sau thành hình “chữ Đinh”. Bên hữu đình còn có nhà bia với một bia đá hình trụ khá lớn.

Di sản

Trong toà đại bái, phía dưới câu đầu là các bức cốn được đục chạm theo đề tài “Ngư long hý thủy” và mặt sau chạm nổi hình tùng, hạc. Gian giữa có bức cửa võng chạm kênh bong theo tích “Đông bích đồ thư”. Các đầu dư của tòa trung cung được tạo hình trang trí với đề tài “Cá hóa rồng”. Những bức cốn ở đây cũng được đục chạm theo tích “Ngư long hý thủy”, mặt sau là “Tùng lộc” và “Mai điểu”… Trên má thân bẩy và kẻ được chạm nổi các hoa văn hình thực vật, rồng lá, in rõ nét đặc trưng nghệ thuật của thời Nguyễn muộn.

Cổng đình Đống Chanh. Ảnh ©NCCong 2022

Tại gian giữa hậu cung còn giữ được bốn bộ cánh cửa chạm nổi trang trí rồng, phượng, trên thân phủ đầy các họa tiết đao mác, tia lửa… theo phong cách của thời Lê trung hưng. Ngoài ra trong hậu cung còn lưu giữ được một cuốn thần phả và 15 đạo sắc của các triều đại xưa kia phong tặng Thượng đẳng thần và mỹ tự cho Trung Thành Phổ Tế đại vương.

Di tích lân cận

©NCCong 2022, Dong Chanh community hall