885 Dao Thuc community hall

Đình Đào Thục

sông Cà LồTam Giangh.Đông Anh

Đình Đào Thục có ít nhất từ năm 1740. Thờ: thánh Tam Giang, Đương Giang đại vương, và Phi Nương hoàng hậu. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1995). Vị trí: thôn Đào Thục, 5VMJ+7CQ, Thuỵ Lâm, Đông Anh, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 28 km (hướng 1 h). Trạm bus lân cận: Trước biển báo Hà Lâm 100m - đường Thư Lâm.

Địa lý

Làng Đào Thục thời cổ vốn gọi là trang Đào Xá, tên nôm Kẻ Đầu, đến đời vua Đồng Khánh (1886-1888) thì đổi tên. Tương truyền xưa kia phụ nữ nơi đây vừa xinh đẹp lại nết na, nổi tiếng là “thục nữ”, cho nên các quan mới thay chữ Đào Xá thành Đào Thục. Thời Lê, thôn này thuộc tổng Hương La, huyện Yên Phong, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc; về sau thuộc tổng Thư Lâm, huyện Đông Ngàn. Ngày nay thuộc xã Thuỵ Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Dân trong vùng vẫn lưu truyền câu vè “Khó Kẻ Đầu hơn giầu hàng tổng”, lại có thơ rằng “Đào Xá mở hội vui thay / Bên bắc có chợ, bên tây có chùa / Bên đông có miếu thờ vua / Bên nam nước chảy đò đưa dập dìu”. Làng còn nổi tiếng với câu ca “Đào Xá có đất trồng bông / Con gái ra đồng trông tựa tiên sa”.

Đình Đào Thục nhìn từ hồ. Ảnh ©NCCong 2022

Lược sử

Đình Đào Thục thờ các thành hoàng: đức thánh Tam Giang[1], Đương Giang đại vương, Phi Nương hoàng hậu. Đương Giang là tướng của vua Đinh Tiên Hoàng. Ngài từng giữ chức Đô úy, được vua giao cho 5000 quân sĩ đi dẹp giặc. Đương Giang lập trại ở trang Đào Xá, được nữ thần Phi Nương hoàng hậu báo mộng sẽ âm phù giúp cho thắng trận.

Ngôi đình ban đầu vốn nằm ở phía đông của làng, đến đầu thế kỷ XVIII được cụ Đào Đăng Khiêm và các thân hào khác bỏ tiền xây dựng ở vị trí như hiện nay. Đào tướng công đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Mùi 1691, làm quan Nội giám trong triều Lê trung hưng. Ông đã soạn ra bản Hương ước, quy hoạch đường xóm vuông bàn cờ, lại cùng dân làng đẩy mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa và lập ra các Phường Thầy, Phường Thợ, Phường Thó (Đóng Cối), Phường Võ và Phường Rối. Sau khi qua đời ông đã được dân làng lập đền thờ.

Đình Đào Thục nhìn từ ao. Ảnh ©NCCong 2022

Kiến trúc

Đình Đào Thục ở rìa làng, nằm cách con đê sông Cà Lồ khoảng 300m. Mặt đình nhìn qua sân ra bức tường có bình phong đắp cuốn thư ngăn với sân khấu múa rối nước và khán đài nằm hơi chếch về phía tây nam, xung quanh có cổ thụ che bóng mát mẻ. Bên hữu sân là nhà giải vũ 3 gian xây đầu hồi bít đốc, bên tả sân là một ao nước khá lớn. Toà đại đình ở cuối sân, gồm 3 gian 2 dĩ cửa bức bàn, hàng hiên có 2 cột tròn trên thềm cao, bốn mái chảy lợp ngói ri, vì kèo làm kiểu “thượng giá chiêng kẻ chuyền”.

Tiếp theo đại đình là toà thiêu hương 2 gian dọc nối đến hậu cung 3 gian xây đầu hồi bít đốc, các mái cũng lợp ngói ri. Như vậy mặt bằng xây dựng của ngôi đình theo hình “chữ Công”. Trong hậu cung có trang trí trên gỗ với những đề tài tứ linh, tứ quý. Sau lưng đình có nhiều cây cảnh, hai bên đình là lối đi vào chùa Thánh Phúc Tự và trường Mầm non Đào Thục.

Đình Đào Thục nhìn từ sau. Ảnh ©NCCong 2022

Di sản

Trong đình bảo lưu 03 bộ long ngai, 01 cỗ kiệu bát cống với phong cách nghệ thuật thế kỷ XVII-XVIII và 10 đạo sắc phong thần thời Lê-Nguyễn. Tấm bia đá mang niên đại Cảnh Hưng nguyên niên (1740) được dựng tại đây, nội dung văn bia ghi việc tu sửa đình. Ngoài ra còn có dấu tích của nền gạch mang các hình rồng yên ngựa, lá đề và hoa sen, hoa cúc cách điệu.

Ban đầu đình làng Đào Thục thờ đức thánh Tam Giang, sau thờ thêm Đương Giang đại vương và Phi Nương hoàng hậu. Trước đây hai ngài này được thờ tại ngôi nghè riêng. Năm 1951 quân Pháp phá mất nghè cho nên dân Đào Thục phải rước về thờ tại đình làng. Hằng năm cứ đến ngày 12 tháng 11 âm lịch thì dân làng mang kiệu rước bài vị của hai ngài từ nghè về đình làng và mở hội. Ngày 15 tháng 11 hết hội lại rước bài vị về nghè, do vậy làng mới làm “con đường riêng thần” đi ven chùa Thánh Phúc ở khu “Đồng Giai”. Ngày nay bỏ lệ rước đó nhưng con đường vẫn còn dấu tích.

Trong đình Đào Thục. Ảnh ©NCCong 2022

Năm 1995, Bộ Văn hóa và Thông tin đã xếp hạng đình [và chùa] Đào Thục là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

Chú thích
[1] Đức thánh Tam Giang là tên gọi chung của hai anh em tướng Trương Hống và Trương Hát trung thành với vua Triệu Việt Vương, về sau không chịu hàng Lý Phật Tử mà tự vẫn. Hai ngài nổi tiếng qua truyền thuyết về bài thơ thần và hai lần âm phù giúp vua Lê Hoàn và Tổng binh Lý Thường Kiệt đánh thắng quân Tống trên sông Như Nguyệt.

885 dinh Dao Thuc ©NCCong 2022