886 Vinh Loc community hall
Đình Vĩnh Lộc
h.Thường Tínsông Hồngnhà LýĐình Vĩnh Lộc có từ thời Lê Trung hưng. Thờ: Thiên Cương đại vương. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1987). Vị trí: thôn Vĩnh Lộc, xã Thư Phú, VW85+J6, Thường Tín, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 24 km (hướng 5 h). Trạm bus lân cận: Đối Diện Trường Mầm Non Tư Thục Bình Minh - TL 427 (xe 06B)
Địa lý
Xã Thư Phú nằm ở phía đông huyện Thường Tín. Mã hành chính là 10228, diện tích đất tự nhiên 7,2 km2, dân số 6.508 người. Địa giới phía bắc giáp xã Hồng Vân, phía nam giáp xã Chương Dương, phía đông giáp xã Tự Nhiên, phía tây giáp xã Vân Tảo, toàn là những xã có di tích quốc gia.
Đường tỉnh lộ DT427 chạy qua đây, nối xã với đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ và đường Quốc lộ 1A cùng đường sắt Bắc–Nam. Từ xã đi vào thị trấn Thường Tín và ra cảng Hồng Vân rất tiện lợi. Nhân dân Thư Phú chủ yếu trồng lúa, màu, cây hoa quả, chăn nuôi và làm một số nghề phụ như thêu ren, chế tác đồ gỗ, trồng cây cảnh. Xã ngày nay gồm 3 thôn: Vĩnh Lộc, Thư Dương, Phú Mỹ. Mỗi thôn đều có đình chùa riêng.
- Nghi môn đình Vĩnh Lộc. Photo ©NCCong 2022
Lược sử
Bản ngọc phả do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn thảo năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) và được viên Quản giám bách thần Nguyễn Hiền chép lại vào thế kỷ XVIII, cho biết đình Vĩnh Lộc thờ Thiên Cương đại vương làm thành hoàng làng.
Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dẫn 5 vạn quân sĩ tiến theo sông Hồng đến bãi Tự Nhiên thì trời nổi phong ba, đành phải lên bờ. Vua nghỉ đêm trong một miếu cổ ở làng Vĩnh Lộc và được thần báo mộng sẽ âm phù. Quả nhiên hôm sau quân nhà Lý đã đánh thắng giặc Champa đang kéo ra hòng cướp phá kinh đô Thăng Long. Vua bèn đem 5 hốt vàng giao cho dân sở tại để tu sửa miếu thờ Thiên Cương đại vương.
Năm 1987, đình Vĩnh Lộc được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Chính điện đình Vĩnh Lộc. Photo ©NCCong 2022
Kiến trúc
Đình Vĩnh Lộc đã được dựng vào thời Lê Trung hưng trên nền cũ của ngôi miếu này. Tại câu đầu gian bên tả toà đại bái có khắc dòng chữ Hán ghi ngày đại tu là năm Cảnh Hưng 46 (1785).
Tam quan ngoại đình Vĩnh Lộc mới xây, mở ra đường làng ở phía tây. Tam quan nội kiểu nghi môn tứ trụ nhìn ra ngõ và ao nước hình vuông ở phía nam. Sau nghi môn là sân, hai bên có dãy tả, hữu mạc. Toà đại bái 5 gian, tường xây gạch, đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói mũi hài. Bộ khung dựa trên 24 cột gỗ lim, trung bình có chu vi mỗi cột 142cm. Bộ vì đặt trên các đầu cột kết cấu theo kiểu “chồng rường”; các bức cốn được chạm khắc khá công phu và tinh xảo với những đề tài “ngư long hý thuỷ” hoặc “tứ linh truyền bát”.
- Chạm khắc trong đình Vĩnh Lộc. Photo ©NCCong 2022
Toà hậu cung rộng 3 gian và nằm sát ngay phía sau toà đại bái, tạo thành hình “chữ Nhị”. Che kín khoảng không giữa mái sau đại bái và mái trước hậu cung là máng thoát nước chung, nơi đã từng che dấu du kích và cán bộ Việt Minh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Lưu ý
Bên tả đình Vĩnh Lộc còn có một toà nhà 3 gian thờ A Thái Lạt, tương truyền là hàng tướng Champa đời vua Lý Thái Tông (trị vì 1028-1054), phối thờ cùng vợ là công chúa Nguyệt Nga. Tương tự như đình làng Phú Mỹ bên cạnh, ngôi đền này được xây vào đầu thế kỷ XIX bởi những người dân từ làng Vĩnh Tuy ven đô di cư về đây khai phá đất bãi và lập thành xóm trại.
- Trong đình Vĩnh Lộc. Photo ©NCCong 2022
Di tích lân cận
- Chùa Khê Hồi: VV9G+HPW, thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi.
- Đền Chương Dương: VW27+JR6, xóm 1, xã Chương Dương.
- Đền Xâm Thị: VWP3+P54, thôn Xâm Thị, xã Hồng Vân.
- Đình Dương Tảo: VVGQ+CV4, thôn Dương Tảo, xã Vân Tảo.
- Đình Nỏ Bạn: VVCW+HQP, thôn Nỏ Bạn, xã Vân Tảo.
- Đình Tự Nhiên: VW79+77H, xã Tự Nhiên.
- Đình Xâm Xuyên: VWH5+Q3X, thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân.
©NCCong 2022, Vinh Loc community hall