895 Thien Dong village hall and temple
Đình, miếu Thiên Đông
h.Thanh Oaisông NhuệNguyễn PhụcĐình, miếu Thiên Đông được xây vào đầu thời Nguyễn và định hình năm 1857. Thờ: Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí đình: VRW3+FM8, Mỹ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Gần Đường Vào Trại Tạm Giam Thanh Xuân - Đường Cienco5.
Địa lý
Xã Mỹ Hưng có mã hành chính là 10129, thuộc huyện Thanh Oai. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 6,29 km², dân số năm 1999 là 5.368 người, mật độ dân số đạt 853 người/km². Địa giới phía bắc giáp xã Tả Thanh Oai, phía đông giáp 2 xã Đại Áng và Khánh Hà, phía nam giáp xã Thanh Thùy, phía tây giáp 2 xã Cự Khê và Tam Hưng.
Vốn là một xã thuần nông nghiệp dễ úng lụt do địa hình trũng, thấp ven sông Nhuệ, ngày nay giao thông trên địa bàn đã thuận tiện hơn nhờ có thêm đường trục phía nam Hà Nội đi qua vùng phía tây xã. UBND thành phố mới đây đã cho triển khai xây dựng khu đô thị Mỹ Hưng, không lâu nữa chắc chắn sẽ chỉ còn lại rất ít các cánh đồng.
- Trước đình Thiên Đông ©NCCong 2021
Xã Mỹ Hưng gồm có 5 thôn: Đan Thầm, Phượng Mỹ, Quảng Minh, Thiên Đông và Thạch Nham. Những thôn này đều có di tích lịch sử văn hoá riêng, trong đó đình, chùa Đan Thầm, chùa Phượng Mỹ và đình, miếu Thiên Đông là các di tích quốc gia nổi tiếng.
Lược sử
Đình và miếu Thiên Đông thờ Đông Hải đại vương Nguyễn Phục. Ngài quê xã Đoàn Tùng, huyện Trường Tân, Hải Dương, đỗ Hoàng giáp năm Thái Hoà 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông, giữ chức Hàn lâm Đại học sĩ, kiêm dạy các vương tử. Khi vua Lê Thánh Tông nam chinh có sai ngài chỉ huy đoàn thuyền vận lương, xử chết vì đến chậm. Sau vua biết lý do gặp bão biển nên đã minh oan, phong ngài là Bảo quốc công thần, và ban sắc chỉ cho 72 nơi thờ phụng.
- Trong tiền tế đình Thiên Đông ©NCCong 2021
Kiến trúc đình
Đình Thiên Đông có từ đầu thời Nguyễn, cổng xây kiểu nghi môn tứ trụ và mở ra đường làng. Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái, mặt nhìn về phía bắc qua một hồ nước, lưng dựa vào mọt giếng tròn to. Các bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng” kết hợp với kiểu “chồng rường”. Trên lưng câu đầu đấu dép kê đệm. Các bức cốn còn khá nguyên vẹn và được trang trí bằng chạm khắc các đề tài tứ linh, tứ quý.
Năm 2011, dân làng xây thêm toà tiền tế 3 gian 2 tầng 8 mái dựa trên 4 hàng cột bê tông cốt thép, nằm song song với đại bái thành hình “chữ Nhị”. Hai bên sân trước có thêm dãy tả hữu mạc và cơi nới tại gian giữa đại bái thêm một hậu cung 3 gian dọc theo hình “chữ Đinh”.
- Trong đại bái đình Thiên Đông ©NCCong 2021
Kiến trúc miếu
Nằm cách đình khoảng 400m về phía tây nam, miếu Thiên Đông được khởi dựng từ thời Lê và trải qua nhiều lần sửa chữa. Lần trùng tu lớn vào năm Tự Đức thứ 10 (1857) đã định hình kiến trúc ngôi miếu cho đến ngày nay. Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái nhìn về phía tây bắc qua một hồ nước, đầu đao lá mái, bờ nóc có đắp nổi đầu rồng.
Toà hậu cung được tu sửa dưới đời vua Thành Thái (1889-1907), có chạm khắc và trang trí các đề tài tứ linh, kết nối với đại bái thành hình “chữ Đinh”.
- Chánh điện đình Thiên Đông ©NCCong 2021
Năm 1991, đình và miếu Thiên Đông được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bối Khê: VQJP+HQ, thôn Song Khê, xã Tam Hưng.
- Chùa Dư Dụ (Phúc Sinh Tự): VR97+5M4, xã Thanh Thuỳ.
- Đình Đan Thầm: thôn Đan Thầm, xã Mỹ Hưng.
- Đình Kim: thôn Song Khê, xã Tam Hưng.
- Đình Lê Dương: thôn Lê Dương, xã Tam Hưng.
- Đình Siêu Quần: thôn Siêu Quần, xã Tả Thanh Oai.
Bài 895: Đình, miếu Thiên Đông ©NCCông 2011-2021