897 Le Duong village hall

Đình Lê Dương

h.Thanh OaiTiền Lýsông Nhuệ

Đình Lê Dương có từ thời Lê. Thờ: thành hoàng bản thổ Đô Tô. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: xã Tam Hưng, VQ9Q+CMJ, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 22 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Làng Đại Định Xã Tam Hưng.

Địa lý

Theo QĐ số 50-CP của Hội đồng Chính phủ ngày 25-4-1961, xã Tam Hưng được sáp nhập từ hai xã Đại Hưng và Tam Khê thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Tháng 6-1965, tỉnh Hà Đông hợp nhất với tỉnh Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây. Ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội.

Hồi năm 1895-1896, trong xã Tam Hưng có ông Đô Hiên chỉ huy một cánh nghĩa quân chống Pháp của ông Hoàng Hoa Thám. Đến đầu thế kỷ XX, xã có nhiều người tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (năm 1907) rồi cuộc vận động Mặt trận Bình dân (1936-1939). Sáng ngày 19-8-1945, hàng nghìn người dân trong xã và một số thôn lân cận dưới sự chỉ huy của ông Tạ Đình Đề đã phối hợp cùng nhiều cánh quân khác kéo lên Bình Đà để chiếm huyện đường Thanh Oai.

Đình Lê Dương. Photo: ©NCCong 2023

Xã Tam Hưng gồm 7 thôn: Song Khê, Tê Quả, Đại Định, Hưng Giáo, Văn Khê, Bùi Xá, Lê Dương, tất cả đều lưu dấu tích văn hoá riêng. Thí dụ thôn Song Khê được hợp nhất từ hai làng Bối Khê và Phúc Khê; hiện có ngôi chùa cổ Bối Khê là Di tích quốc gia đặc biệt. Thôn Lê Dương thì có chùa Linh Quang Tự, phía trước chùa là ngôi đình Lê Dương cũng rất nổi tiếng.

Lược sử

Đình Lê Dương có từ thời Lê, ban đầu dựng bằng tranh tre. Đến đời vua Minh Mạng, đình được di dời ra đầu làng xây trên thế đất “hoàng xà vọng thuỷ”. Đình cũ vẫn để dấu tích thờ cúng, gọi là đình Tre. Tại hậu cung còn bảo lưu một bản ngọc phả khắc năm Duy Tân thứ 3 (1909). Nội dung phả sao chép thần tích của thành hoàng bản thổ do Hàn lâm viện Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572).

Sân đình Lê Dương. Photo: ©NCCong 2023

Trong ngọc phả có ghi chuyện Lý Nam Đế (?-548) dẫn quân đến ấp Lê Dương và trang Đại Định bên sông Đỗ Động. Thấy địa thế tốt, vua cho xây đồn, đắp luỹ chống giặc. Đêm 10 tháng Hai âm lịch, vua mơ thấy một người tướng mạo kỳ dị tự xưng là thần bản thổ Đô Tô hiện lên trợ giúp. Hôm sau quân Lương kéo đến vây hãm mấy ngày liền nhưng vua tôi nhất tề phòng bị rồi xông ra phá giặc và thắng trận. Vua truyền cho phụ lão, nhân dân trong ấp Lê Dương lập đền thờ Đô Tô rồi ban sắc phong là thượng đẳng phúc thần.

Lưu ý rằng sự tích ở Lê Dương cũng giống như ở đình Bối Khê, đình So; các thành hoàng đều được phong thần hiệu là Phổ Tế Anh Linh Hiển Ứng Đại vương và các làng này cùng mở hội từ mùng 9 đến 11 tháng hai âm lịch. Ngoài ra, trong đình trung còn có cung đức Thánh Bà. Xưa kia nước sông Đáy từng dâng cao gây vỡ đê Đông Lao và làm trôi đến bức tranh một vị thánh nữ có khung gỗ sơn son thếp vàng, dân làng vớt lên thờ cúng, nhưng không rõ thần hiệu, thần tích.

Hông đình Lê Dương. Photo: ©NCCong 2023

Năm 1993 ngôi đình Lê Dương đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc và di sản

Đình Lê Dương nhìn về phía tây nam qua sân và cổng ra một ao nhỏ có cù lao tròn ở giữa. Cổng đình làm kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán. Hai bên cổng là đầu hồi dãy nhà tả hữu mạc được xây muộn hơn. Toà tiền tế 2 tầng 8 mái, gồm 3 gian 2 chái để trống trước sau, các bộ vì dựa trên 6 cây cột, bờ nóc đắp hình lưỡng long triều nguyệt, đầu đao cong vút.

Toà đại bái 3 gian 2 chái với 4 mái, nằm song song ngay sau toà tiền tế. Toà hậu cung gồm 3 gian nhà ngang thờ thành hoàng, kết nối với gian giữa toà đại bái theo hình “chữ Đinh”. Tại cung cấm đặt long ngai bài vị của vị thành hoàng bản thổ cùng phu nhân. Tất cả các mái đều lợp ngói ri, bên dưới có chạm khắc những đề tài tứ linh, tứ quý trên các mảng kiến trúc gỗ mang phong cách nghệ thuật trang trí thời Nguyễn.

Trong đình Lê Dương. Photo: ©NCCong 2023

Lễ hội đình làng Lê Dương bắt đầu từ nửa đêm đến trưa ngày mùng 9 tục gọi là "nghiềm", không ai được ra đình vì đây là lúc vua gặp thần, rồi họp bàn kế đánh giặc. Đến 14 giờ, lễ mộc dục xong, khai chiêng trống, thì bắt đầu mở hội. Đám rước từ đình rnày ra đình Tre được cử hành tối mùng 9 là lúc xuất quân. Trong khi rước có nghi thức đấu roi thể hiện việc giao chiến. Cứ 5 năm mở hội lớn 1 lần thì mùng 10 có lễ thỉnh thánh xuất cung, rước ngài tuần du bản ấp.

Di tích lân cận

(897 dinh Le Duong ©NCCông 2011-2023)