9 Hang Dau (Seeds) street

Phố Hàng Đậu

Phố Hàng Đậu dài 272m, đi từ ngã phố Yên Phụ—Trần Nhật Duật cắt qua các phố Nguyễn Thiệp, Hồng Phúc, Hàng Giấy rồi nối phố Phan Đình Phùng. Nay thuộc: phường Đồng Xuân, Q. Hoàn Kiếm, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 1km (hướng 12h). Trạm bus lân cận: 26-28 Hàng Than (xe 31), 3a Phan Đình Phùng (14, 22), 10-12 Quán Thánh (14, 18, 22, 23), Điểm trung chuyển Long Biên (04, 08, 10, 15, 17, 24, 31, 36, 47a, 50, 54, 55, 58, 86, 98, 100).

Lược sử

Phố Hàng Đậu có từ trước khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội. Đoạn đường này có lối rẽ vào các phố Nguyễn Thiệp, Hàng Giấy cho nên trở thành một nút giao thông nối bến Nứa ven sông Hồng với các chợ ở khu vực phía bắc của tòa thành cũ. Đoạn cuối phố rẽ vào phố Hàng Cót thì nối các phường dân cư đông đúc ở mé Cửa Bắc với Cửa Đông, do đó phố Hàng Đậu được coi như đường ranh giới giữa hai khu vực. Những ngày phiên chợ, nông dân gánh các loại hạt đậu, hạt đỗ đến bán ở đây cho người thành thị mua về làm đậu phụ, nước tương, giá đỗ... dần dần trở thành tên "phố Hàng Đậu".

Phố Hàng Đậu ở trên đất cũ của hai thôn Phúc Lâm và Nghĩa Lập, thuộc huyện Thọ Xương; còn quãng phía bắc giáp hai thôn Hoà Giai và Yên Thuận lại thuộc về tổng Yên Thành, huyện Vĩnh Thuận. Di tích làng Phúc Lâm cũ hiện có ngôi chùa ở số 120 phố Yên Phụ và ngôi đình ở đường Bờ Sông dưới chân cầu Long Biên (nay là số 2 phố Gầm Cầu), đình này thờ thần Mộc Thị tức “thần cây”. Di tích làng Nghĩa Lập cũ thì có ngôi đền thờ Tứ vị Hồng Nương và ngôi đình thờ thần Bạch Mã, cả hai đều cùng ở số nhà 32 Hàng Đậu.

Cuối phố Hàng Đậu. Ảnh NCCong ©2017

Thời Pháp thuộc, phố Hàng Đậu gọi là Rue des graines (nghĩa đen: Phố Hàng Hạt). Năm 1945 thị trưởng Trần Văn Lai đổi lại tên cũ Phố Hàng Đậu. Trên phố từng có hai trường tiểu học tư thục nhỏ: trường Cúc Hiên[1] ở số 39, và một trường khác ở số 20. Ngoài ra, còn có hai hiệu thuốc đông y: Phạm Bá Quát ở số 27, và Thọ Xuân ở số 28. Trong phố cũng toạ lạc mấy di tích khác như đền Thiên Quang (số 12) và từ đường họ Phạm (số 40). Hầu hết các công trình này đã được nâng cấp hoặc bị thay đổi kiến trúc và mục đích sử dụng.

Giáp chân đê cũ cạnh bến Chùa Bà Móc từng có cửa ô Phúc Lâm, tức ô Tiền Trung, xưa quen gọi là cửa ô Hàng Đậu, sau cửa ô này bị phá mất khi Pháp cho xây cầu Dốc Gạch nối với cầu Long Biên. Cuối phố Hàng Đậu từng có bót cảnh sát, dân quen gọi là Sở Cẩm. Một tấm ảnh chụp năm 1920 cho thấy chiếc cầu đá bắc qua con hào chưa bị lấp hết ở ven tường thành cũ và một mái nhà tranh dưới lùm tre cạnh gốc đa cổ thụ.

Bến xe Long Biên đầu thế kỷ XX

Sau thế chiến thứ nhất (1914—1918) nghề xe khách phát triển, cầu xe lửa Long Biên được xây thêm hai làn phụ để ô tô đi lại. Thành phố cho mở rộng đường, xén vào bên số lẻ đến mươi thước, phải chặt nhiều cây cối. Từ khi có nhà ga Đầu Cầu thì hàng cơm, nhà trọ cũng mọc thêm bên cạnh những hiệu sửa xe, bán săm lốp, phụ tùng và nạp điện ác-quy v.v.. Ngoài ra tại đây từng có các cửa hàng đóng đồ gỗ cao cấp. Đến những năm 1940—1950, nhiều gia đình ở phố Hàng Đậu đã trở nên khá giả.

Ngày nay các hộ trên phố Hàng Đậu kinh doanh nhiều mặt hàng khác như quần áo, tân dược, điện thoại di động, cá cảnh, cần câu, bể cá v.v.. Các cửa hàng ăn đôi khi chiếm cả vỉa hè. Phố vẫn là một trục giao thông quan trọng, mặc dù Hà Nội đã có thêm nhiều cây cầu khác ngoài cầu Long Biên. Ngay đầu phía đông phố, Bến Nứa được xây dựng lại thành một điểm trung chuyển xe bus tấp nập gần suốt ngày đêm.

Tháp Hàng Đậu. Ảnh NCCong ©2015

Tháp nước Hàng Đậu

Tại ngã sáu phố Hàng Than—Quán Thánh—Phan Đình Phùng—Hàng Cót—Hàng Giấy—Hàng Đậu có một tháp nước (chateau-d’eau) với 54 cửa sổ hẹp và các chấn song sắt to. Công trình cao hơn 25m, xây bằng xi măng cốt thép và đá hộc dỡ ra từ thành Hà Nội. Nó hay bị nhầm tên với đồn cảnh sát ở góc Hàng Giấy tức “bốt Hàng Đậu". Vườn hoa Vạn Xuân ở phố Quán Thánh bên cạnh cũng bị gọi là "vườn hoa Hàng Đậu.

Nó từng là một trong những tháp thuộc hệ thống cung cấp nước đầu tiên cho đô thị Hà Nội do người Pháp xây dựng cuối thế kỷ XIX. Khi hệ thống được hiện đại hoá thì nó bị bỏ hoang. Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, toà tháp này được trùng tu và trở thành một điểm nhấn trên phố Hàng Đậu với tầm nhìn thẳng từ cầu Long Biên về phía khu thành cổ.

Đền Nghĩa Lập. Ảnh NCCong ©2015

Panorama

Di tích lân cận

©NCCông 2011-2014, Hang Dau (Seeds) street
[1] Cúc Hiên tức TS Lê Đình Diên (1819—1878). Năm 1870, trường làm bằng gỗ lợp lá 5 gian, sau được học trò xây gạch lợp ngói. Sau khi ông mất, trường đổi làm nơi thờ.