901 Temple of Restored Lê Kings
Đền các vua Lê Trung Hưng
Lê trung hưngThanh Hoáđền, miếuĐền thờ các vua Lê Trung Hưng được khởi dựng năm 2010. Lễ hội: kỳ phúc vua Lê Dụ Tông ngày 20/1 âm lịch, lễ kỳ phúc vua Lê Hiển Tông ngày 17/7 âl. Xếp hạng: Di tích tỉnh Thanh Hoá (2020). Vị trí: WG47+8J9, Thôn Dê, xã Xuân Sinh, H. Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cách BĐX Bờ Hồ: 166 km (hướng 7 h).
Lược sử
Huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa được biết đến là vùng "địa linh nhân kiệt" và đất "thang mộc" của 2 vương triều Tiền Lê, Hậu Lê. Cách đền thờ Lê Hoàn (vua đầu triều Tiền Lê) khoảng 6km về phía nam là địa phận cũ của trang Bàn Thạch, nay thuộc xã Xuân Sinh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Địa danh này từng được nhắc đến trong tư liệu lịch sử thế kỷ XV.
Theo các cụ già trong làng kể lại thì trang Bàn Thạch vốn là chốn núi sông tươi đẹp lại có vượng khí phong thuỷ, được người xưa chọn để an táng ba vị vua thời Lê Trung Hưng. Tại làng Bái Trạch, xã Xuân Giang, có lăng mộ của vua Lê Dụ Tông; tại Cồn Cánh Dơi, xã Xuân Quang (cũ), có lăng mộ của vua Lê Mẫn Đế. Còn tại Cồn Nẫn (khu đền thờ hiện tại) là nơi phát hiện lăng mộ của vua Lê Hiển Tông. Và cái tên Nôm “Ba Lăng Vua” vẫn được nhân dân địa phương lưu truyền cho đến nay.
- Tượng vua Lê Hiển Tông. Photo ©NCCong 2022
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa nơi nào có đền thờ các vị vua thời Lê Trung Hưng. Sau khi phát lộ các lăng mộ nói trên, việc xây dựng một khu đền riêng để phụng thờ các ngài đã trở thành nguyện vọng của dòng họ Lê và nhân dân địa phương thể theo đạo lý uống nước nhớ nguồn. Được sự thống nhất của các cơ quan ban ngành, năm 2010 tâm nguyện đó đã được thực hiện với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng do các nhà hảo tâm và tổ chức đóng góp công đức.
Hiện trong khu đền đang thờ ba vị vua: Lê Dụ Tông, Lê Hiển Tông, Lê Mẫn Đế; ngoài ra còn có đền thờ Mẫu hậu, hoàng hậu, phi tần của các vua thời Lê Trung Hưng. Hằng năm tại đây diễn ra lễ kỳ phúc vua Lê Dụ Tông vào 20 tháng Giêng và lễ kỳ phúc vua Lê Hiển Tông vào ngày 17 tháng 7 âm lịch.
Từ tháng 1-2020 đền thờ các vua thời Lê Trung Hưng là 1 trong 4 điểm du lịch đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận.
- Lăng vua Lê Hiển Tông. Photo ©NCCong 2022
Kiến trúc đền
Cổng đền làm kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối chữ Hán. Có đường dẫn từ cổng đến lăng vua Lê Hiển Tông và sân đền trong một khuôn viên rộng rãi, cây cối che mát. Đền có mặt bằng hình chữ Nhị và nằm trên thềm cao 9 bậc. Toà tiền tế 3 gian 2 dĩ, mặt nhìn về phía tây nam, bên trong có hương án thờ long ngai với tượng của hai vị vua Lê Dụ Tông, Lê Hiển Tông, riêng ngai của Lê Mẫn Đế tức Lê Chiêu Thống chỉ bày áo mũ. Toà hậu đường 3 gian nằm song song với tiền tế theo hình chữ Nhị, cả hai đều xây kiểu 2 tầng 8 mái. Bên hữu đền chính còn có ngôi đền thờ Mẫu hậu, hoàng hậu, phi tần của các vua thời Lê Trung Hưng.
Triều Lê Trung Hưng
Năm 1527, Mạc Đăng Dung phế truất vua Lê Cung Hoàng và tự lên ngôi, lập ra nhà Mạc. Triều Lê Trung Hưng 黎中興朝 khởi nghiệp khi hoàng thân Lê Duy Ninh được tôn thành vua Lê Trang Tông (1533-1548) tại Sầm Hà (Ai Lao) nhờ Nguyễn Kim, một cựu thần của nhà Lê sơ đã đứng dậy kêu gọi nhân dân Đại Việt chống lại nhà Mạc, khôi phục nhà Lê. Tháng 12-1540 Nguyễn Kim kéo quân vây đánh thành Nghệ An, hào kiệt các nơi theo về giúp rất đông.
- Đền thờ các vua Lê Trung Hưng. Photo ©NCCong 2022
Cuối năm 1543 nghĩa quân chiếm được thành Tây Đô (nguyên là thành nhà Hồ ở Thanh Hoá). Năm 1548 vua Lê Trung Tông (1548-1556) đã lập hành điện tại Vạn Lại thuộc huyện Thụy Nguyên (nay là xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá). Cũng tại đây khoa thi Chế đầu tiên được tổ chức năm 1554 đã lấy đỗ 13 tiến sĩ. Năm 1549 Nguyễn Kim bị một hàng tướng nhà Mạc đầu độc chết, con rể là Trịnh Kiểm trở thành người nắm quyền hành trong thực tế. Kể từ đó hầu hết các vua Lê Trung Hưng đều phải lấy con gái họ Trịnh làm hoàng hậu và chỉ còn cai trị trên danh nghĩa.
Nhà Lê Trung Hưng đến năm 1597 chuyển về đóng tại Thăng Long sau khi nhà Mạc bỏ chạy lên Cao Bằng. Năm 1600, Trịnh Tùng chính thức xưng “chúa” và lập phủ riêng để cai trị. Họ Trịnh từ đó được hưởng quyền thế tập ngôi chúa. Tuy có công lớn xây dựng vùng Đàng Ngoài hùng mạnh và gìn giữ biên cương không để nhà Thanh xâm phạm, dòng họ này cũng đã thẳng tay trừng trị và phế truất những vị vua Lê nào dám phản kháng.
Trước đó, năm 1558 Nguyễn Hoàng (con Nguyễn Kim, sinh 1525, mất 1613) có lệnh vào trấn thủ Thuận Hóa đã nắm lấy cơ hội thoát khỏi Trịnh Kiểm. Nguyễn Hoàng cũng dùng lá cờ phò Lê, thu nạp người tài và nhanh chóng mở mang Đàng Trong thành một vùng giàu mạnh, được hậu thế tôn vinh là vị chúa Tiên của dòng họ Nguyễn. Họ này cát cứ ở phía nam sông Gianh và đắp Luỹ Thầy làm phòng tuyến vững vàng ngăn chặn các cuộc tấn công từ Đàng Ngoài của quân Trịnh. Cháu đời thứ 10 của chúa Tiên sau khi đánh bại Quang Toản năm 1802 đã lên ngôi hoàng đế Gia Long, lập ra nhà Nguyễn.
- Đền thờ các hoàng hậu và phi tần. Photo ©NCCong 2022
Năm 1788 vua Lê Chiêu Thống xin nhà Thanh phát binh đánh Nguyễn Huệ. Năm 1789 quân Thanh bị hoàng đế Quang Trung đánh tan và nhà Tây Sơn chính thức thay thế triều đại Lê Trung Hưng. Đây là triều đại kéo dài lâu nhất với 256 năm tồn tại trong lịch sử nền quân chủ Việt Nam. Cũng trong thời kỳ này lãnh thổ nước ta đã được mở rộng với diện tích lớn nhất mà công lao chủ yếu là của hai thế lực Trịnh và Nguyễn.
Di tích lân cận
- Chùa Mèo: 562J+RXQ, xã Quang Hiến, H. Lang Chánh.
- Đền Lê Lai: X9FV+534, thôn Tép, xã Kiên Thọ, H. Ngọc Lặc.
- Đền vua Lê Hoàn: XGFM+GJR, xã Xuân Lập, H. Thọ Xuân.
- Lam Kinh: WCH4+JQG, QL47, xã Xuân Lam, H. Thọ Xuân.
- Thác Ma Hao: 5XP+H34, xã Trí Năng, H. Lang Chánh.
- Thành Nhà Hồ: 3JF4+PP, H. Vĩnh Lộc.
©NCCông 2022. Temple of Restored Lê Kings 901