902 Mahao waterfall
Bản Năng Cát, thác Ma Hao, thác Lê Lợi
Thanh Hoáthác nướcLê sơThác Ma Hao tức thác "Chó ngáp". Sự tích: gắn với Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn. Xếp hạng: Di tích tỉnh Thanh Hoá (2019). Vị trí: 5XP+H34, xã Trí Năng, H. Lang Chánh, Thanh Hoá. Cách BĐX Bờ Hồ: 175 km (hướng 7 h).
Bản Năng Cát
Nằm dưới chân núi Chí Linh, cách thị trấn Lang Chánh trên 15 km, bản Năng Cát thuộc xã Trí Năng có diện tích tự nhiên 600 ha, dân số 596 nhân khẩu, chủ yếu là người Thái. Với khí hậu mát mẻ, nhiệt độ trung bình trong năm khoảng 15-18 độ C, thiên nhiên đã ban tặng cho Năng Cát nhiều thắng cảnh nổi tiếng như thác Ma Hao, thác Lê Lợi. Và tại thôn Chiềng Lằn, xã Giao Thiện, cách thị trấn Lang Chánh 18 km còn có thác Hón Lối. Cả ba ngọn thác đều gắn với lịch sử những ngày gian nan ban đầu của nghĩa quân Lam Sơn.[1]
Không chỉ đa dạng về lịch sử và sinh cảnh, bản Năng Cát còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa cổ truyền của đồng bào Thái. Khám phá nơi đây, bạn nên thử trải nghiệm cuộc sống khác lạ thú vị, đặc biệt là những nét nguyên sơ với kiến trúc nhà sàn [2] của người dân bản địa. Nếu đến vào dịp lễ hội, bạn sẽ có thể được tham gia các trò chơi như nhảy sạp, tung còn, khua luồng, chọi cù… Bạn sẽ say sưa quay những vòng xòe, cùng bước chân của các cô gái Thái đẹp nổi tiếng xứ Châu Lang với vòng tay mềm mại trong diệu múa mừng cơm mới, hay nhịp nhàng trong điệu múa sạp gắn kết tình người.
- Bản Năng Cát
Bạn sẽ thưởng thức tài nghệ của phụ nữ Thái trên những tấm thổ cẩm đủ màu sắc. Theo tục truyền, người con gái Thái khi bước chân về nhà chồng phải biết thêu khăn, dệt vải, may váy áo, chăn màn cho mình và gia đình nhà chồng. Nhâm nhi chén rượu men lá cùng nhau quây quàn bên đống lửa, bạn còn được lắng nghe tiếng sáo ôi vang vọng núi rừng, tiếng “khắp thái” hát đối đáp của những đôi nam nữ trao tình, trao duyên trong đêm hội với âm điệu trầm hùng của dàn chiêng cổ, nghe tiếng “khua luống” có từ ngàn đời...
Đến với Năng Cát bạn sẽ được hòa mình vào cuộc sống giản dị của người dân nơi đây chứ không chỉ bó hẹp trong các trò chơi, trò diễn. Bạn sẽ được nếm no các món ngon đặc trưng của người dân vùng cao như cơm lam, ốc núi, chẻo cá, náp cá, chẻo gừng, thịt gà, thịt lợn cỏ nướng cuốn lá bưởi… và nhất là các loại rau tự nhiên trong rừng như rau dớn, rau sắng..., đặc biệt thứ măng nổi tiếng chỉ có ở Lang Chánh.
- Thác Ma Hao
Thác Ma Hao
Tương truyền trong giai đoạn đầu sau khi Lê Lợi đứng lên khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh vào năm 1418, có lần nghĩa quân bị giặc cậy đông vây rất nguy cấp. Lê Lợi và đoàn quân rút lui, dẫn theo một chú chó chạy vào rừng núi Chí Linh (Pù Rinh). Khi bị dồn tới nơi đây, mọi người đã dũng cảm vượt thác thành công. Chú chó không thể leo được, đành đứng ngáp nhìn theo.
Khi đám lính Minh đuổi đến thác, chú chó liền quay lại sủa cắn đàn chó của giặc, rồi kiệt sức rơi xuống dòng nước dữ. Không leo lên được, lũ giặc chán nản rút đi. Lê Lợi cho người xuôi dòng tìm thấy xác chú chó, bèn chôn cất dưới chân thác. Ngài còn đặt tên cho thác là Má Háo, tiếng Thái có nghĩa là chó ngáp (về sau do trong nhiều tài liệu người ta viết không dấu nên dân thường quen đọc thành Ma Hao).
- Thác Lê Lợi
Thác Lê Lợi
Theo vị Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh, thác Lê Lợi còn được người dân gọi là thác Ông, nằm ở nơi giáp ranh của 3 xã: Tam Văn, Tân Phúc và Quang Hiến cũ (nay là thị trấn Lang Chánh). Đường vào thác dài khoảng 4km nếu đi từ Khu phố Oi, thị trấn Lang Chánh. Thác cao trên 50m và phân thành mấy khúc quanh co từ đỉnh thác xuống chân thác, tạo nên vẻ đẹp rất nên thơ, hoà quyện với cây cối, núi rừng tự nhiên làm cho khung cảnh đẹp như cổ tích!
Truyền thuyết dân gian kể rằng trong giai đoạn đầu khởi nghĩa gặp nhiều bất lợi, một lần thủ lĩnh Lam Sơn đã dẫn quân đến vùng núi cao rừng rậm này ẩn náu. Trên đỉnh thác Ông vẫn còn lưu giữ chứng tích tảng đá làm ghế cho Lê Lợi cùng các tướng lĩnh ngồi bàn chuyện quân cơ và vận động toàn dân tham gia cứu nước. Nhờ đánh giá đúng tình hình, tìm ra các cách củng cố tinh thần và lực lượng nên nghĩa quân đã có thể tiếp tục cuộc kháng chiến chống giặc Minh và đi đến thắng lợi cuối cùng sau mười năm gian khổ.
Di tích lân cận
- Chùa Mèo: 562J+RXQ, xã Quang Hiến, H. Lang Chánh.
- Đền Lê Lai: X9FV+534, thôn Tép, xã Kiên Thọ, H. Ngọc Lặc.
- Đền các vua Lê Trung hưng: WG47+8J9, xã Xuân Sinh, H. Thọ Xuân.
- Đền vua Lê Hoàn: XGFM+GJR, xã Xuân Lập, H. Thọ Xuân.
- Lam Kinh: WCH4+JQG, QL47, xã Xuân Lam, H. Thọ Xuân.
- Thành Nhà Hồ: 3JF4+PP, H. Vĩnh Lộc.
Chú thích
[1] Hón Lối là một thác nước tự nhiên, dài khoảng 3,5 km và gắn với tích chuyện Lê Lợi cùng nghĩa quân “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”.
[2] Nhà sàn ở Nang Cát phần lớn là kiểu 4 gian 2 chái.
©NCCong 2022, Mahao waterfall 902