903 King Le Hoan temple

Đền vua Lê Hoàn

Lê HoànThanh Hoáđền, miếu

Đền thờ vua Lê Hoàn có từ cuối thế kỷ XV thời Lê sơ. Lễ hội: từ 7 đến 9 tháng 3 âm lịch (giỗ vua ngày 8-3 âl). Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2018). Vị trí: XGFM+GJR, thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, H. Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cách BĐX Bờ Hồ: 160 km (hướng 7 h). Điểm dừng xe khách gần nhất: Trạm Xăng Dầu Xuân Minh trên QL45.

Lược sử

Huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa được biết đến là vùng "địa linh nhân kiệt" và đất "thang mộc" của 2 vương triều họ Lê. Cùng nằm bên phía bắc sông Chu, cách lăng Lê Lợi (1385-1433, vị vua lập ra triều Hậu Lê) khoảng 18 km về phía đông bắc là ngôi đền thờ Lê Hoàn (941-1005), vị vua lập ra triều Tiền Lê.

Đền thờ đức vua Lê Hoàn nay ở vị trí XGFM+GJR, thôn Trung Lập, xã Xuân Lập, cách Cảng Hàng không Thọ Xuân khoảng 18 km về phía tây nam. Cạnh đền khoảng 1,5 km về phía tây nam là Lăng Hoàng Thái Hậu Tiền Lê tức Lăng Quốc Mẫu (XG6C+3Q5, xã Phú Yên) và khoảng 500 m về phía đông nam là Nền Sinh Thánh nơi sinh ra vua (XGCR+F7Q, xã Xuân Lập).

Cổng đền vua Lê Hoàn

Theo sử sách thì Trường Châu (Ninh Bình) là nơi ông nội của Lê Hoàn là Lê Lộc cùng vợ là Cao Thị Khương đã từng sinh sống và từ đó chuyển đến Bảo Thái (Hà Nam) lập nghiệp. Sau đó cha của Lê Hoàn là Lê Mịch và vợ là Đặng Thị Khiết lại từ Bảo Thái chuyển vào Trung Lập (Thanh Hoá).

Theo tư liệu tại đền, Lê Hoàn sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941) tại trang Kẻ Xốp, huyện Di Phong, Châu Ái. Năm lên 7 tuổi cha mẹ mất, cậu được viên Quan án Lê Đột nhận làm con nuôi. Lớn lên ngài theo Đinh Bộ Lĩnh lập nhiều công trạng, làm đến chức Thập đạo Tướng quân. Năm 980 Lê Hoàn lên ngôi. Vua lãnh đạo dân Đại Việt chặn quân Tống xâm lược, chinh phạt Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi, xây dựng đất nước giàu mạnh.

Vua mất ngày 8 tháng 3 năm Ất Tỵ (1005) tại Hoa Lư, ở ngôi 24 năm, thọ 65 tuổi, an táng tại Sơn Lăng, châu Trường Yên. Tương truyền sau khi vua mất, dân làng Trung Lập đã xây đền thờ trên mảnh đất ngôi nhà cũ của mẹ ngài. Lúc đầu đền còn đơn sơ, đến đời Hồng Đức, vua Lê Thánh Tông cho dựng lại đền và cấp 67 mẫu ruộng dùng cho việc thờ cúng.

Trung môn đền vua Lê Hoàn
Năm 1990 đền thờ vua Lê Hoàn tại làng Trung Lập được công nhận là Di tích sử - văn hoá quốc gia. Năm 2018 ngôi đền được Nhà nước Việt Nam nâng hạng là Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1820/QĐ-TTg.

Kiến trúc

Ngôi đền ở làng Trung Lập đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo. Khác với đền thờ ở Hoa Lư, đền ở đây có khuôn viên nhỏ hơn, trang trí kiến trúc cũng không tinh xảo bằng và không thờ những người thân của đức vua như thái tử Lê Long Đĩnh và thái hậu Dương Vân Nga, v.v..

Cổng đền xây kiểu nghi môn tứ trụ. Trục thần đạo đưa khách qua trung môn là một tam quan tường hồi bít đốc tay ngai đến sân đền. Đền chính hiện có mặt bằng hình “chữ Công”. Tiền tế 3 gian 2 chái với 4 mái chảy, đầu đao hơi cong. Hệ vì kèo làm theo kiểu “giá chiêng, chồng rường, con nhị”, trên các kiến trúc gỗ có những bức chạm thủng, chạm nổi đẹp mắt.

Sân đền vua Lê Hoàn

Di sản

Lễ hội truyền thống tại ngôi đền ở làng Trung Lập nhân kỷ niệm ngày giỗ của vua Lê Hoàn được diễn ra hằng năm từ ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên lễ hội này có quy mô không lớn bằng lễ hội giỗ vua ở cố đô Hoa Lư (7WP4+CF7, Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình), cách làng Trung Lập khoảng 70 km về phía đông bắc.

Trong đền hiện bảo lưu được nhiều di vật quý như: sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng vua ngồi trên long ngai. Trong số đồ gốm sứ thời Lý, Trần, Lê, có một chiếc đĩa bằng đá trắng, đường kính 36 cm, lòng đĩa ghi "Giang Nam nhất phiến tuyết, trác khí vạn niên trân", tương truyền do vua Tống tặng vua Lê.

Tại đền còn có 2 tấm bia đá. Bia thứ nhất dựng năm Hoàng Định 2 (1602). Bia cao 122cm, rộng 79cm, dày 22cm, đế vuông dày 28cm, bốn mặt chạm cánh sen. Văn bia do Thượng thư Tế tửu Quốc tử giám Mai lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan soạn, ghi việc năm Hồng Đức 15 (1484), vua Lê Thánh Tông cấp cho đền 67 mẫu ruộng dùng để thờ cúng.

Tượng thờ trong đền vua Lê Hoàn
Bia thứ hai dựng năm Vĩnh Tộ 8 (1626) nhân dịp trùng tu đền. Lễ bộ Tả thị lang Phương lan hầu Nguyễn Thực soạn văn bia ghi lại truyền thuyết bà mẹ mộng thấy trong bụng nở hoa sen sinh ra vua và ca ngợi những thành tích của vua. Bia cao 165cm, rộng 117cm, dày 21cm. Đế bia hình chữ nhật dày 28cm chạm xoáy nước. Trán bia khắc dòng đại tự “Lê Đại Hành Hoàng đế điện miếu bi”.

Di tích lân cận

©NCCông 2022, Temple of King Lê Hoàn 903