906 Tay Thien temple and Zen monastery

KHU DI TÍCH VÀ DANH THẮNG TÂY THIÊN

Vĩnh Phúcthắng cảnh

Toạ lạc trong địa phận Vườn quốc gia Tam Đảo, Tây Thiên là quần thể di tích lịch sử - văn hóa độc đáo giữa núi rừng hùng vĩ thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi mang đậm dấu ấn Phật giáo song hành cùng với di tích thờ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu thới Hùng Vương thứ 6.

Từ Hà Nội du khách đi về hướng tây bắc theo AH14 rồi đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tới xã Kim Long (huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) thì rẽ sang quốc lộ QL2B. Đến Bưu điện huyện Tam Đảo rẽ trái sang tỉnh lộ TL302, đi tiếp khoảng 11 km nữa sẽ tới ngôi đền Thõng (tọa độ 21.4643183,105.5773207). Từ đây có đường đến ga cáp treo (nhanh hơn đi bộ hoặc dùng xe máy, ô tô) để nhanh chóng lên thăm đền Cậu, đền Cô, đền Thượng và Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên.

Sơ đồ khu di tích Tây Thiên

Giới thiệu

Khu danh thắng Tây Thiên đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia từ năm 1991. Tối 14-3-2016, UBND tỉnh Vĩnh Phúc lại tổ chức Lễ đón nhận bằng Di tích quốc gia đặc biệt đối với khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên - Tam Đảo (cùng di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn thuộc thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô).

Tây Thiên là một khu danh thắng rộng lớn với chiều dài 11km, chiều ngang 1km, bao gồm nhiều di tích lịch sử văn hóa như thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, đền Thõng, đền Cậu, đền Cô, đền Thượng và các cảnh đẹp thiên nhiên như rừng núi và thác Bạc.

Bảo tháp dưới chân Tây Thiên

Nằm phía bên trái cổng tam quan dẫn vào khu danh thắng là Đại bảo tháp Tây Thiên màu trắng, được xây mới theo kiến trúc Phật giáo Kim Cương Thừa. Bảo tháp gồm 3 tầng và cao 37m. Trong đạo Phật, bảo tháp có ý nghĩa là nơi chứa đựng tâm giác ngộ của chư Phật, thể hiện ngũ đại thanh tịnh (đất, nước, gió, lửa, không khí).

Ngôi đền Thõng

Đi tiếp qua Đại bảo tháp và cổng vào khu di tích sẽ đến đền Thõng (còn gọi đền Trình), nơi du khách thường vào làm lễ trước khi leo lên đền Thượng trên đỉnh núi. Đền quay hướng chính tây, thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, một nhân vật có từ truyền thuyết thời vua Hùng, được ghi tại ngọc phả do Đông các Đại học sỹ Nguyễn Bính (1525-1605) biên soạn vào đầu thời Lê trung hưng.

Cổng Khu di tich Tây Thiên

Ngôi đền Thõng như ta thấy bây giờ được xây dựng vào năm 1998 trên nền ngôi đền cũ. Cuối sân rộng là cây đa chín cội sừng sững nhìn qua cổng nghi môn với 4 trụ biểu khổng lồ ra một khuôn viên rất rộng hình cây đàn với hồ nước và hàng cột đá ở hai bên.

Tiền đường gồm 3 gian 2 chái kết nối theo hình chuôi vồ với hậu cung 3 gian xây kiểu hai tầng tám mái. Bên hữu bậc thang trước cửa đền có dựng một tấm bia đá 4 mặt mang niên đại Bảo Thái thứ 5 (năm 1723) và ghi nhận nơi đây là “Tam Đảo linh sơn”. Trong đền còn có một quả chuông đồng đúc năm Thiệu Trị thứ 2 (1842), một bản thần tích khắc năm Bảo Đại thứ 12 (1937), một khánh đồng và một số hoành phi, câu đối được tạo tác công phu.

Sân Đền Mẫu Tây Thiên. Photo ©NCCong 2016

Lược sử Tây Thiên

Tây Thiên là một trong những cái nôi đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Khoảng thế kỷ thứ III, hòa thượng Khương Tăng Hội đã dừng chân ở đây và dựng chùa truyền giáo. Ngài cũng từng quảng bá thiền học ở miền Giang Nam thuộc nước Ngô vào thời Tam quốc (năm 247). Cha của ngài là người nước Khương Cư (Sogdiane) cư trú tại Giao Chỉ để buôn bán, mẹ là dân sở tại, hai vị mất năm ngài lên mười tuổi. Ngài sinh trên đất Giao Chỉ và mất năm 280 bên nước Tấn.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được xây trên nền cũ của ngôi chùa Thiên Ân có từ thế kỷ thứ III. Theo truyền thuyết, vua Hùng thứ 6 là Hùng Chiêu Vương lên đỉnh núi Tam Đảo để cầu tự, nhân gặp bà Lăng Thị Tiêu bèn rước về làm vợ. Bà vốn xinh đẹp, giỏi giang, lại có tài thao lược, đã giúp vua Hùng đánh giặc giữ yên bờ cõi nước Văn Lang.

Trong Đền Mẫu Tây Thiên. Photo ©NCCong 2016

Thiền viện tọa lạc trên sườn ngọn núi Thạch Bàn ở phía bắc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Tọa độ: 21.4667176, 105.584088, cách Hà Nội khoảng 85 km về phía tây bắc. Sau thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt và Yên Tử, đây là thiền viện thứ ba thuộc dòng thiền Trúc Lâm của Việt Nam. Hàng năm thiền viện có tổ chức lễ hội, chính hội nhằm ngày 14 tháng 2 âm lịch. Trong dịp tháng Giêng, mỗi ngày có hàng ngàn khách hành hương tới vãn cảnh.

Kiến trúc thiền viện

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên được khởi công ngày 4-4-2004 (rằm tháng 2 âm lịch) với tổng số vốn 30 tỷ đồng. Khi làm lễ khởi công, trên nền ngôi chùa cổ các nhà sư đã tìm được vô số các viên gạch và mảnh ngói vỡ có hoa văn mang dấu ấn của thời Trần. Sau hơn 15 tháng xây dựng công trình đã chính thức hoàn thiện và được khánh thành ngày 25-11-2005.

Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên

Chính điện (Đại hùng bảo điện) của thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên có chiều cao 17m và dựa trên 4 trụ đỡ, đường kính mỗi trụ gần 1m. Diện tích 675m2 đủ chỗ cho 600 người ngồi thiền hoặc nghe giảng phật pháp. Trong chính điện thờ tượng Phật Tổ cùng với hai câu đối: “Phước đức sâu dầy do gieo nhân đạt quả / Tuệ giác tròn đầy bởi bát nhã gội nhuần”“Phật giáo chỉ đường lìa mê về bến giác / Thiền tông không lối trực ngộ đến chân như”.

Hai bên tòa chính điện là lầu Chuông và gác Trống. Chuông nặng 2 tấn. Trống làm từ gỗ mít rừng Gia Lai, đường kính 1,5m, dài 2m. Sau chính điện là nhà Tổ, thờ tượng Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Các pho tượng Phật ở chính điện và nhà Tổ đều được làm từ đá sa thạch. Trong Nhà Tổ có hai câu đối: “Tổ tổ truyền đăng phát huy tâm ấn Phật / Tăng tăng tục diện lưu biến chính tông thiền”“Tây Thiên khởi nguồn Phật kiếp kiếp truyền đăng tục diện mãi truyền hằng / Yên Tử mở lối thiền đời đời đức hóa lưu phương luôn chuyển khắp”.

Đền Thượng Tây Thiên

Thông thường những Phật tử hành hương đến Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên thường chọn cách vừa leo núi vừa niệm Phật. Tuy nhiên nếu du khách sử dụng đường cáp treo thì sẽ có dịp ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ từ trên độ cao khoảng từ 200m tới 500m suốt quãng chiều dài lên đến 2500m.

Tọa lạc trên ngọn đồi Hữu Bạch Hổ bên phải chính điện còn có “Việt Nam hộ quốc Phật đài” hay “Quốc thái dân an Phật đài”. Được biết Phật đài khổng lồ này cao 49m và làm bằng đá hoa cương, trọng lượng 20.678 tấn, ngự ở độ cao hơn 300m so với mực nước biển. Lòng tượng Phật được thiết kế rỗng, gồm 10 tầng tượng trưng cho 10 cảnh giới của tâm thức nhà Phật. Con số 49m là để nhắc nhở sự tích Đức Phật ngồi thiền định trong suốt 49 ngày đêm.

©NCCong 2016, Tay Thien temple and Zen monastery