909 An Ninh pagoda
Chùa An Ninh (Vĩnh Khánh Tự)
nhà LýchùaHải DươngChùa An Ninh có từ thế kỷ XII, còn gọi là chùa Trăm Gian [1]. Tên chữ: Vĩnh Khánh Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: 29H7+98 xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Cách BĐX Bờ Hồ: 86 km (hướng 3 h).
Lược sử
Chùa An Ninh tên chữ Vĩnh Khánh Tự, vào thời Đinh vốn là am Vãn Lộng Tự, do nằm ở Vạn Lộng trang (sau đổi thành làng An Ninh, rồi chia ra làng An Đông và An Đoài). Ngày nay, đó là một ngôi chùa lớn, thuộc xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Hàng năm vào ngày 13 tháng 9 âm lịch, nhân dân tổ chức lễ hội tại đây.
Theo bản “Sự tích thành hoàng làng An Ninh" do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn năm Nhâm Thân (1572) chùa có từ giữa thời Lý, xây bởi ni sư Phạm Thị Toàn (?-1103), con quan Hoan châu Bộ chủ là Phạm Lương. Sau khi mất, ni sư được tôn làm thành hoàng làng, từng hiển linh giúp quan quân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên năm 1287.
- Chùa Trăm gian Hải Dương: trong tiền đường
Đời vua Lê Hy Tông, chùa được sư Tổ Rau trụ trì. Gọi như vậy vì mỗi ngày thiền sư chỉ ăn 1 bìa đậu phụ và 2 mớ rau muống vào chính ngọ nhưng vẫn khỏe mạnh. Việc lạ truyền đến kinh thành, năm 1691 vua cho triệu vào cung để hỏi chuyện. Tổ Rau thực thà tâu bày. Vua bán tín bán nghi bèn tặng cho một chiếc vòng vàng vừa khít cổ tay Tổ Rau rồi lưu lại trong cung để giảng Phật pháp và tăng khẩu phần của Tổ Rau lên gấp đôi. Sau một tháng Tổ Rau không gầy đi mà còn béo tốt, hồng hào, vòng vàng đã chật cứng tay. Lại thấy Tổ Rau làu thông kinh Phật, nhà vua lấy làm cảm phục bèn phong chức Tăng Lục Thiền Gia và 4 chữ An Ninh Pháp Tràng, cho phép về quê mở trường dạy. Thấy ngôi chùa nhỏ bé, vua cấp tiền xây sửa khang trang. Các quan thì cung tiến tượng Phật. Từ đó, An Ninh Pháp Tràng trở thành nơi truyền Phật pháp nổi tiếng của xứ Đông và cả nước.
Đến năm Vĩnh Thịnh thứ nhất (1705) đời vua Lê Dụ Tông, triều đình tiếp tục cho sửa lại thượng điện. Những năm 1740 và 1809, chùa được tu sửa và tôn tạo thêm các hạng mục công trình. Cuối thế kỷ XIX dưới thời Nguyễn, chùa được trùng tu mở rộng nên mới có tên dân dã là chùa Trăm Gian.
- Chùa Trăm gian Hải Dương: tượng Tổ
Năm 1990 chùa An Ninh đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa An Ninh vẫn nguyên vẹn trải qua suốt thế kỷ XX. Tuy nhiên thời kỳ chiến tranh chống Mỹ ném bom miền Bắc, phần lớn diện tích và khuôn viên chùa đã xuống cấp nặng do được sử dụng phục vụ cho một bệnh viện sơ tán. Sang thế kỷ XXI, chùa đã được Nhà nước đầu tư 14 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo lại 70 gian trong giai đoạn 2007-2010.
Chùa làm theo kiểu “nội Công ngoại Quốc”. Từ cổng, du khách bước vào một sân gạch với hai dãy nhà giải vũ ở hai bên. Toà tiền đường 7 gian nhìn về phía tây nam, tường hồi bít đốc tay ngai, ba gian giữa xây 2 tầng 8 mái, cửa bức bàn, chấn song con tiện, bờ nóc đắp linh vật chầu mặt trời, các đầu đao uốn cong. Hai bên nhìn vào thiêu hương có hai dãy hành lang dài. Sau thượng điện là sân hậu rồi đến Tổ đường, giảng đường, nhà khách và nhà tăng. Trong tất cả các toà nhà hiện còn tổng cộng 85 gian.
- Chùa Trăm gian Hải Dương: Phật điện
Chùa có một vườn tháp mộ ở phía sau, trong đó 9 ngôi được xây dựng vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn. Hai ngôi tháp của Tổ Rau và tổ đời thứ 2 của chùa là sư Viên Giác dùng toàn gạch nung già, đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Di vật
Hiện tại trong chùa An Ninh còn lưu giữ được một kho hiện vật phong phú gồm trên 50 pho tượng Phật giáo có niên đại thời Lê và thời Nguyễn, với nhiều đại tự, câu đối, bia đá cùng các tạo tác khác bằng chất liệu gỗ, gốm, đồng. Đáng chú ý là pho tượng A Di Đà cao khoảng 3m ngồi trên bệ đá cao hơn 2m nằm ở phía trước tầng trên cùng của thượng điện. Phía sau bệ đá có một bức tranh vẽ cảnh chùa cũ với gác trống, tháp chuông, cầu đá, tam quan. Trong chùa còn có một quả chuông đồng treo trên gác, được đúc vào năm Thành Thái thứ 2 (1890).
Chùa còn nổi tiếng bởi những mộc bản với niên đại hàng trăm tuổi, hiện đang lưu giữ trong phòng khách trên hai giá gỗ ba tầng. Các mộc bản rộng khoảng 30x40cm, dày khoảng 1,5cm, hai mặt khắc nổi chữ Nho, mỗi mặt tương đương với 2 trang in. Một số mộc bản có kích cỡ khá lớn, ngoài chữ còn khắc các bùa, chú. Đó là các mộc bản kinh Phật được sư Viên Giác cho khắc dưới đời vua Minh Mạng (1791-1841) để giảng đạo. Nhà sư Viên Giác viết lời tựa, hai ông Phạm Thanh San và Phạm Khắc Thọ là thợ khắc chữ nổi tiếng của xã Thanh Lâm (Nam Sách) thực hiện ròng rã hàng năm trời mới hoàn thành. Theo truyền tụng, khi khắc, mỗi chữ trên mộc bản được định giá bằng 2 cân thóc.
- Chùa Trăm gian Hải Dương: Tam bảo
Trải qua thời gian, một số mộc bản trong chùa đã mất hoặc hư hỏng. Hiện còn giữ được trọn vẹn 5 bộ mộc bản với khoảng 700 ván khắc bao gồm: Giới đàm tăng, Giới đàm ni, Dược sư đề cương, bộ Nhật tụng (khóa lễ, khóa tụng hằng ngày của chùa An Ninh do nhà sư Viên Tịch, tổ đời thứ 3 cho khắc hiệu đính lại các bản in trước) và bộ Khóa Hư Lục do vua Trần Thái Tông (1218-1277) biên soạn.
Di tích lân cận
Chú thích
[1] Lưu ý "Chùa Trăm Gian" là cách gọi dân dã của một số ngôi chùa có quy mô lớn ở miền Bắc Việt Nam. Thí dụ như: 1) chùa Trăm Gian (Vĩnh Khánh Tự) ở tỉnh Hải Dương, 2) chùa Trăm Gian (Cảm Ứng Tự) ở tỉnh Bắc Ninh, 3) chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự) ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
909 An Ninh pagoda ©NCCong 2019