910 Xuân Do Ha pagoda

Chùa Xuân Đỗ Hạ (Sùng Phúc Tự)

Long Biênsông HồngLê trung hưng

Chùa thôn Xuân Đỗ Hạ có từ thời Lê trung hưng. Tên chữ: Sùng Phúc Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1994). Vị trí: 2W66+9QC, đường Xuân Đỗ, P. Cự Khối, Q. Long Biên, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 11 km (hướng 4 h). Trạm bus lân cận: Đd điếm Cự Khối.

Địa lý

Thôn Xuân Đỗ được lập vào khoảng thế kỷ XV-XVI trên đất bãi sông Hồng, xưa gọi là Xuân Đỗ Trung, tên Nôm là Đậu Hạ, tên chữ là Hoa Động, nơi năm 1523 từng tổ chức một khoa thi tiến sĩ. Có lẽ tên làng liên quan đến thi cử đỗ đạt và tên người em vua là Xuân? Quả thật khi ấy vua Lê Chiêu Tông (1516-1522) và hoàng đệ Xuân (1522-1527) đã cho xây hành cung, lập triều chính tại đây để tránh sự kiểm soát của quyền thần Mạc Đăng Dung.

Thời Nguyễn, thôn Xuân Đỗ Hạ thuộc tổng Đa Tốn, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc. Năm 1956, thôn Xuân Đỗ Hạ thuộc xã Cự Khối, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Ngày 20 tháng 4 năm 1961, xã Cự Khối cùng các xã khác trong huyện Gia Lâm được chuyển về TP Hà Nội. Ngày 6 tháng 11 năm 2003, xã Cự Khối trở thành phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên mới thành lập.

Tam quan chùa Xuân Đỗ Hạ

Lược sử

Chùa Xuân Đỗ Hạ nay thuộc tổ 11, phường Cự Khối, thuộc quận Long Biên, TP Hà Nội. Trước kia đây vốn là một am thờ Tổ, đến giữa thời Lê Trung hưng được xây dựng lại để thờ Phật, tên chữ đặt là Sùng Phúc Tự. Về sau, chùa được trùng tu lớn vào thời Tây Sơn và thời Nguyễn. Trải qua thời gian dài cùng chiến tranh và loạn lạc, đến cuối thế kỷ XX thì chùa đã bị hư hại nhiều. Đầu thế kỷ XXI ngôi chùa lại được đại trùng tu.

Kiến trúc

Trước đây, chùa có một cổng làm kiểu tam quan chồng diêm 2 tầng 8 mái, về sau bị phá mất. Mãi đến năm 2021 chùa được đại trùng tu thì cổng mới xây lại theo kiểu nghi môn tứ trụ, thân đắp câu đối. Du khách từ ngoài đường Xuân Đỗ đi vào ngõ qua một hồ nước nhỏ thả sen rồi tới nghi môn, sau cổng là vườn và lối dẫn đến sân tam bảo.

Tam quan chùa Xuân Đỗ Hạ

Toà tam bảo quay hơi chếch về hướng tây nam, gồm thiêu hương và thượng điện kết nối với gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Toà tiền đường 5 gian kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, mái lợp ngói ri, trên bờ nóc có bảng đề 3 chữ Hán tên “Sùng Phúc Tự”.

Điện Mẫu xây ở phía sau toà tam bảo, gồm toà tiền tế cũng 5 gian tường hồi bít đốc tay ngai. Toà hậu cung phía trong 3 gian nằm song song với toà tiền tế. Nhà thờ Tổ và trai phòng xây nối tiếp tường hồi bên trái điện Mẫu, gồm 3 gian cũng làm kiểu bít đốc, mái lợp ngói ri. Phía bên phải sân điện Mẫu có một vườn tháp gồm 5 mộ sư, đỉnh tháp đắp nổi hình hoa sen, phía trên gắn hình bình hồ lô cách điệu, phía dưới tạo hình mui luyện.

Vườn ngõ chùa Xuân Đỗ Hạ

Di vật

Trong chùa Xuân Đỗ Hạ hiện bảo lưu khá nhiều cổ vật quý báu như 01 quả chuông lớn bằng đồng đúc năm Cảnh Thịnh thứ 2 (1794) và 01 quả chuông nhỏ bằng đồng đúc năm Bảo Đại thứ 11 (1935). Lại có 13 tấm bia đá được tạo tác từ thế kỷ XVIII đến XX. Tấm bia mang niên đại sớm nhất được dựng năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800). Những tấm bia còn lại được dựng vào thời Nguyễn.

Ngoài ra còn có 01 khám thờ, 02 ngai thờ, 02 bức hoành phi, 04 đôi câu đối sơn thếp vàng. Đặc biệt đáng chú ý 32 pho tượng tròn được tạo tác từ thế kỷ XVIII đến XIX.

Năm 1994 chùa Xuân Đỗ Hạ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Sân chùa thôn Xuân Đỗ Hạ

Di tích lân cận

910 chua Xuân Do Ha ©NCCong 2021-2022