916 Rua Ha village hall

Đình Rùa Hạ

h.Thanh Oaihuyền sửsông Nhuệ

Đình Rùa Hạ có từ thời Lê, chuyển vị trí vào thời Nguyễn. Thờ: 2 đại vương An Duy và Hữu Sơn cùng phu nhân Đông Hải thời vua Hùng thứ 6. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1990). Vị trí: VRH5+C9R, Thanh Thuỳ, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 22 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: UBND Xã Thanh Thùy - ĐT427B.

Địa lý

Thanh Thuỳ là một xã vùng trũng phía đông huyện Thanh Oai, giáp đoạn sông Nhuệ chảy ở giữa hai con đường quốc lộ QL1A và QL21B. Phía tây xã mới có con đường trục phía nam Hà Nội đi qua. Dân số xã năm 2021 là 11.013 người, ngoài trồng lúa còn có nghề làm trống, điêu khắc, kim khí và một số nghề thủ công khác. Tổng diện tích tự nhiên là 533 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 323 ha.

Xã Thanh Thuỳ gồm có 6 thôn: Từ Am, Rùa Hạ, Rùa Thượng, Gia Vĩnh, Dụ Tiền, Dư Dụ. Vào đầu thế kỷ XVI thôn Rùa Hạ sáp nhập với thôn Rùa Thượng và thôn Từ Am thành xã Đàn Giản. Năm 1900 xã Đàn Giản sáp nhập với 2 xã Vĩnh Thị và Gia Dụ thành xã Thùy Dụ. Năm 1930 xã Thùy Dụ sáp nhập với xã Văn Hóa (xã Thanh Văn) lấy tên chung là xã Văn Thùy, thuộc tổng Hà Liễu, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.

Sân đình Rùa Hạ. Photo ©NCCong 2021

Năm 1954 xã Văn Thùy lại chia làm hai: xã Văn Hóa đổi tên là xã Thanh Văn, còn xã Thùy Dụ cũ đổi tên là xã Thanh Thùy, cùng thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông. Tháng 6-1965, tỉnh Hà Đông hợp nhất với tỉnh Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây. Ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập vào TP Hà Nội.

Lược sử

Những di chỉ khảo cổ học ở đây và xung quanh có niên đại hơn 2000 năm cho phép nhận định về khả năng con người đã đến đây tụ cư thuộc giai đoạn muộn của văn hoá Đông Sơn. Ngọc phả đang lưu giữ ở đình Rùa Hạ cho biết: Vào đời Hùng Vương thứ 6 đã có cư dân đến đây lập làng, đặt tên chữ là Thuỳ Dụ Hạ Trang, sau đổi thành xã Thuỳ Dụ, thuộc huyện Thanh Đàm. Theo sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi, huyện Thanh Đàm thời Bắc thuộc gọi là châu Long Đàm, thuộc phủ Giao Châu.

Tam quan đình Rùa Hạ. Photo ©NCCong 2021

Ngọc phả ở đình Rùa Thượng viết: Ngày xưa, ở xã Thuỳ Dụ có một gia đình họ Lý, chồng chết sớm để lại cho vợ goá một cô con gái tên là Lý Chiêu. Năm 18 tuổi, Lý Chiêu nổi tiếng nết na xinh đẹp, nhiều người đến dạm hỏi nhưng cô không nhận lời. Sau gặp một vị khách làm nghề bốc thuốc tên là Trần Liên quê ở Nam Sơn, huyện Xương Giang, phủ Thừa Thiên. Dân làng giúp hai người nên nghĩa vợ chồng. Họ sinh được 2 trai 1 gái, cả 3 đều học hành tài giỏi. Khi ông bà qua đời, 3 người con mở mang đất đai xã về 3 hướng. Người anh cả ở thôn Rùa Thượng, anh hai ở thôn Rùa Hạ, cô em út ở Trại [Từ] Am. Ba người ăn ở đức độ, giúp dân trong vùng chống úng, chống hạn, đánh đuổi giặc cướp. Cô em út mất sớm được dân lập đền thờ tại Trại Am, còn hai người anh được Hùng Vương thứ 6 mời về triều làm tướng, giúp Thánh Gióng lập chiến công.

Đình Rùa Hạ được xây dựng vào thời Lê trung hưng, vị trí ban đầu ở giữa làng. Đến thời Pháp thuộc, số dân theo đạo Thiên Chúa đông lên nên ngôi đình được di chuyển ra ven cánh đồng phía tây làng, nay trở thành một địa điểm văn hoá. Trong hậu cung đình thờ nhị vị đại vương An Duy và Hữu Sơn, cùng phu nhân Đông Hải là 3 nhân vật từ thời Hùng Vương thứ 6 theo truyền thuyết.

Cổng đình Rùa Hạ. Photo ©NCCong 2021

Năm 1990 đình Rùa Hạ được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc

Đình nhìn qua sân, cổng và một ao to về ngôi làng Rùa Hạ ở phía đông. Cổng đình được làm theo kiểu nghi môn tứ trụ và hai bên có tượng linh thú chầu. Bên hữu sân lại có tam quan mở ra con đường ở phía nam, mới xây hồi 2007-2008 cùng với toà tiền tế là một phương đình 2 tầng 8 mái, thềm xây 3 bậc.

Ngay sau tiền tế là toà đại bái gồm 3 gian 2 dĩ, tường hồi bít đốc tay ngai, cửa bức bàn. Phù điêu nhị vị hộ pháp được đắp trên 2 bức tường lửng. Bộ vì làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” nằm trên 4 hàng chân cột. Gian giữa kết nối theo hình “chữ Đinh” với hậu cung xây kiểu cuốn vòm, hai bên có dãy tả hữu mạc 3 gian và sân hẹp.

Chính điện đình Rùa Hạ. Photo ©NCCong 2021

Trong đình, trên nhiều mảng kiến trúc gỗ như cốn mê, đầu dư, ván bưng, đầu rường, bẩy hiên là những tác phẩm chạm khắc khá tinh tế với phong cách nghệ thuật thời Nguyễn từ thế kỷ XIX đến XX. Các đề tài chủ yếu gồm hoa lá, tứ quý, chim thú, tứ linh, long cuốn thuỷ, long mã, rùa, hoa văn chữ triện, v.v.

Di tích lân cận

916 dinh Rua Ha ©NCCông 2011-2021