919 Phúc Khe village hall
Đình Phúc Khê (Bột Xuyên)
h.Mỹ Đứcsông ĐáyLê Phụng HiểuĐình Phúc Khê có từ thời Lê trung hưng. Thờ: Lê Phụng Hiểu, danh thần nhà Lý. Xếp hạng: di tích thành phố (năm 2010). Vị trí: xã Bột Xuyên, QPQ5+W9, Mỹ Đức, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 43km (hướng 7h). Trạm bus lân cận: Trước đường vào thôn dân cư số 2 thôn Vĩnh Xương Thượng xã Mỹ Thành khoảng 50m (xe 125)
Địa lý
Bột Xuyên là một xã nằm ven bờ tây sông Đáy, thuộc huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Xã có mã hành chính là 10459, diện tích 5,78 km², dân số 7.017 người (năm 1999), một số theo đạo Cơ Đốc. Địa giới phía nam giáp xã An Mỹ, phía tây giáp xã Mỹ Thành, đều cùng huyện Mỹ Đức và có đường tỉnh lộ DT419 chạy qua. Địa giới phía đông bắc giáp xã Viên Nội, phía đông nam giáp xã Cao Thành, đều cùng huyện Ứng Hoà.
Lược sử
Phúc Khê là một thôn nhỏ ở phía bắc của xã Bột Xuyên. Đình làng được khởi dựng vào thời Lê trung hưng trên một mảnh đất cao sau đê sông Đáy. Khuôn viên đình có nhiều cổ thụ, bên tả là ngôi chùa làng cũng có từ lâu đời. Trong hậu cung đình thờ bài vị thượng đẳng phúc thần Lê Phụng Hiểu, người thôn Băng Sơn, nay thuộc xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá.
- Lối vào đình Phúc Khê. Photo ©NCCông 2021
Lê Phụng Hiểu là một danh tướng được thờ ở nhiều nơi. Năm vua Lý Thái Tổ (1009-1028) mất, 3 hoàng tử con thứ đem quân bản bộ đến vây hoàng thành Thăng Long hòng cướp quyền kế vị. Lê Phụng Hiểu đã cấp tốc đem vệ sĩ dẹp được loạn này (sử gọi là “loạn Tam vương”). Thái tử Phật Mã lên ngôi, xưng là Lý Thái Tông, trị vì từ năm 1028 đến 1054 như một đức minh quân của Đại Việt.
Kiến trúc
Ngôi đình Phúc Khê nhìn về rặng núi Hương Sơn ở phía tây nam qua sân đình và một nghi môn với các trụ biểu lớn, thân đắp câu đối chữ Hán. Hai bên cổng là cặp phù điêu ngựa hồng và hai cổng phụ xây kiểu 2 tầng 8 mái, tiếp theo là 2 chiếc cổng giả bịt kín, tất cả tạo thành một mặt tiền khá hoành tráng. Sau cổng có tượng đôi voi quỳ trên sân đình.
- Cổng đình Phúc Khê. Photo ©NCCông 2021
Toà đại bái gồm 3 gian 2 chái rộng, tường hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri. Các bộ vì dựa trên 4 hàng chân cột; gian giữa làm kiểu “thượng chồng rường, hạ cốn chồng rường, bẩy hiên”; gian bên làm kiểu “thượng kèo kẻ trụ nọc, hạ kẻ chuyền, bẩy hiên”. Toà hậu cung gồm 3 gian dọc nối với gian giữa toà đại bái thành hình “chữ Đinh”; các bộ vì ở đây làm kiểu “thượng chồng rường, hạ kẻ chuyền”.
Di sản
Các bức cốn của toà đại bái được chạm hoa văn và đề tài tứ linh với trọng tâm là rồng cuốn thuỷ, phía dưới chạm hình đàn cá chép vươn theo dòng nước, sát hoành chạm hình phượng ngậm sách vỗ cánh bay trên lũ rùa và long mã v.v.. Ngoài cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng, trong đình còn lưu giữ được nhiều cổ vật, đáng chú ý 01 cuốn ngọc phả và 07 đạo sắc phong thần.
- Sân đình Phúc Khê. Photo ©NCCông 2021
Năm 1991 đình Phúc Khê được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Phúc Khê: thôn Phúc Khê, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
- Chùa Tử Dương: xã Cao Thành, H. Ứng Hòa
- Chùa Tứ Xã: thôn Phú Văn, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
- Đền Vân Mộng: thôn Giáp Bốn, xã Tuy Lai, H. Mỹ Đức
- Đình Bột Xuyên: thôn Bột Xuyên, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
- Đình Phú Hữu: thôn Phú Hữu, xã Bột Xuyên, H. Mỹ Đức
919 Phúc Khe village hall ©NCCông 2021-2022