Đình Đĩnh Tú

Đình thôn Đĩnh Tú có từ thế kỷ XVII. Thờ thành hoàng: Trung Á đại vương - tướng của vua Hùng thứ 18. Xếp hạng: di tích quốc gia (2008). Vị trí: XJ45+94R, xã Cấn Hữu, H. Quốc Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 33 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Thôn Dĩnh Tú - Cấn Hữu - Quốc Oai (xe 116)

Địa lý

Xã Cấn Hữu có diện tích 9,87 km², dân số năm 1999 là 8813 người, sống trong 6 thôn: Thượng Khê, Thái Khê, Cấn Hạ, Cấn Thượng, Cây Chay, Đĩnh Tú; nay thuộc huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Địa giới phía bắc giáp 2 xã Ngọc Mỹ, Nghĩa Hương, phía nam giáp xã Đông Yên, phía tây giáp xã Hoà Thạch và xã Tuyết Nghĩa, phía đông giáp 2 xã Đồng Quang, Đông Sơn của huyện Chương Mỹ.

Thôn Đĩnh Tú thời Lê thuộc xã Nghĩa Bang, sau đổi thành xã Hữu Quang, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng. Đến đầu thế kỷ XX thuộc xã Hữu Quang, tổng Thạch Thán, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Năm 1948 xã hợp nhất với xã Cấn Xá thành xã Cấn Hữu. Giao thông thuỷ bộ thuận tiện với sông Tích và đường tỉnh lộ TL412B, nơi có tuyến xe bus 116 đi qua.

Hồ đình Đĩnh Tú. Photo ©NCCong 2021

Lược sử

Đình Đĩnh Tú nằm trên mảnh đất cao ráo ở giữa làng, trước mặt là con đê sông Tích, sau lưng có núi Sài Sơn ở phía sông Đáy xa xa. Đình được khởi dựng vào thế kỷ XVII dưới thời Lê trung hưng. Trong đình thờ “Hùng kiệt trác vĩ hộ quốc an dân Trung Á đại vương”, theo thần phả ngài là một tướng tài của vua Hùng thứ 18 đã từng lập đồn binh và tuyển quân tại trang Nghĩa Bang.

Năm 2008, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xếp hạng đình thôn Đĩnh Tú là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Trong 2 năm 2017-2018 đình làng Đĩnh Tú đã được tu bổ và tôn tạo trên diện tích thi công hơn 1.500m2 với tổng số vốn đầu tư là 14.456 triệu đồng. Ngoài ra còn có tiền mặt và hiện vật do các nhà hảo tâm xa gần cung tiến với tổng trị giá gần 300 triệu đồng.

Đình làng Đĩnh Tú. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Sau lần đại trùng tu năm 2018 đình làng Đĩnh Tú vẫn giữ dáng vẻ trước kia với mặt bằng xây dựng hình “chữ Nhất”. Đại đình nhìn ra hồ nước ở phía tây nam qua cổng nghi môn kiểu tứ trụ có các câu đối chữ Hán đắp trên thân. Bên hữu là đài Liệt sĩ và nhà tưởng niệm, xa hơn có cầu dẫn sang ngôi chùa làng.

Du khách đi qua cổng vào một sân lớn dẫn tới bậc đá bước lên thềm đình. Nền đình rộng 24,7m, bề sâu 13m, được bó bằng đá thanh và gạch vồ thời Lê trung hưng. Đại đình chia ra 5 gian 2 dĩ nhỏ, các gian bên để trống, gian giữa rộng nhất (4,25m) giữ vai trò cung cấm như thường thấy ở những ngôi đình cổ nhất ở Bắc Bộ. Các bộ vì làm theo 3 kiểu thức khác nhau chút ít và dựa trên 6 hàng chân cột gỗ lim.

Đại đình Đĩnh Tú. Photo ©NCCong 2021

Di sản

Trang trí trong đình Đĩnh Tú tập trung vào các bức chạm khắc gỗ trên toàn bộ khung nhà. Đề tài chủ yếu là hình tượng rồng với các hoạt cảnh: lưỡng long triều nguyệt, long hý ngọc, long mẫu tử, ngũ long, độc long... Ngoài ra còn có nhiều cổ vật với giá trị nghệ thuật cao như: 01 cỗ long ngai, bài vị, hương án, đôi hạc gỗ tạo tác cuối thời Lê và một bát hương gốm Thổ Hà từ thế kỷ XVIII.

Hiện nay trong cung cấm vẫn bảo lưu được những tư liệu Hán-Nôm quý, gồm: 01 cuốn thần phả "Hùng Duệ Vương triều công thần nhất vị đại vương phả lục", 14 đạo sắc phong thần và ban cho nhiều mỹ tự của các triều vua chúa Việt Nam với 05 đạo sắc thời Lê, 01 đạo sắc thời Tây Sơn và 08 đạo sắc thời Nguyễn.

Chạm khắc trong đình Đĩnh Tú

Lễ hội đình thôn Đĩnh Tú được tổ chức hai lần vào tháng Giêng và tháng 5 âm lịch hằng năm. Hội tháng 5 mở từ ngày 20 đến 22 kỷ niệm ngày sinh của Đức thành hoàng. Hội tháng Giêng từ mùng 5 đến mùng 7 kỷ niệm ngày hoá của ngài Trung Á đại vương.

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2021, Dinh Tu community hall