926 Ngoc Phúc Pagoda
Chùa Ngọc Phúc (Thiên Phúc tự)
h.Quốc OaiLê trung hưngsông TíchChùa Ngọc Phúc còn gọi chùa Đồng Khanh, được khởi dựng năm 1680, thời Lê trung hưng. Tên chữ: Thiên Phúc tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1997). Vị trí: XJV2+R9, xã Ngọc Liệp, H. Quốc Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 29 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Đường Vào Chùa Kim Long - Đại Lộ Thăng Long (xe 74, 88, 107)
Địa lý
Xã Ngọc Liệp nằm ở phía tây huyện Quốc Oai, cách trung tâm TP Hà Nội khoảng 29 km về phía tây nam. Mã hành chính là 09907. Từ đông sang tây rộng 4,2km và từ bắc xuống nam 2 km. Địa giới phía bắc giáp 2 xã Bình Phú và Phùng Xá; phía tây giáp xã Cần Kiệm (3 xã trên thuộc huyện Thạch Thất); phía đông giáp xã Ngọc Mỹ; phía nam giáp xã Liệp Tuyết (2 xã này thuộc huyện Quốc Oai).
Giao thông có các tuyến xe bus 74, 88, 107 chạy trên Đại lộ Thăng Long theo trục đông-tây. Giữa xã còn có sông Tích Giang chảy từ bắc xuống nam. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 6,41 km², dân số năm 2014 là 9.321 người với 2.573 hộ sống tập trung ở 4 thôn Ngọc Phúc, Ngọc Bài, Đồng Bụt và Liệp Mai. Trong xã có 2 di tích quốc gia là chùa Đồng Bụt và chùa Ngọc Phúc.
- Tam quan chùa Ngọc Phúc. Ảnh ©NCCong 2022
Thôn Ngọc Phúc nằm trong xã Ngọc Liệp, phía bắc giáp đường Đại lộ Thăng Long. Xung quanh có cánh đồng, xa hơn là Đại học Quốc gia cách 9km, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cách 8km, Khu Công nghiệp Thạch Thất cách 5km. Theo quy hoạch trong thập kỷ 2020 sẽ mở một tuyến đường từ Đại lộ Thăng Long chạy dọc qua khu dân cư Ngọc Phúc.
Lược sử
Thôn Ngọc Phúc đời Lê Vĩnh Trị có tên là Phúc Khánh, đến năm Minh Mệnh thứ 2 (1821) đổi thành Ngọc Phúc, còn gọi là Đồng Khanh. Trước năm 1945 thuộc xã Phục Liệp, tổng Liệp Mai, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Chính quyền VNDCCH sau Cách mạng tháng 8 bỏ huyện An Sơn, đổi phủ Quốc Oai thành huyện Quốc Oai. Nay thôn Ngọc Phúc thuộc xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
- Sân chùa Ngọc Phúc. Ảnh ©NCCong 2022
Thôn Ngọc Phúc có 3 ngôi chùa, lớn nhất là chùa Ngọc Phúc còn gọi chùa Đồng Khanh, tên chữ Thiên Phúc tự, được khởi dựng vào năm Vĩnh Trị thứ 5 (1680). Điều đặc biệt là trong chùa có thờ Từ Đạo Hạnh một thiền sư rất nổi tiếng của thời Lý. Quyển ngọc phả lưu trữ tại đây cho biết thiền sư chào đời tại khu vườn Nở ở sát bên cạnh chùa, kèm theo có ghi ngày giờ sinh và những truyền thuyết khác về ngài.
Kiến trúc
Chùa Ngọc Phúc đã trải qua tôn tạo, sửa chữa nhiều lần. Gần đây nhất có đợt trùng tu vào năm 1993 và cuối thập niên 2010. Ngôi chùa nằm giữa làng, ban đầu cổng mở về phía đông nhìn ra hồ Ngọc Phúc. Chùa hiện nay quay mặt về hướng chính nam, cổng mở ra đường làng, hai bên là hồ nước. Tam quan xây kiểu 3 tầng 8 mái đồ sộ, xung quanh có tường bao và cổng phụ.
- Tháp chùa Ngọc Phúc. Ảnh ©NCCong 2022
Bước qua cổng vào sân ta thấy bên tay trái là vườn cây, bên tay phải có tượng đài Nam hải Quán thế âm Bồ tát, trước mặt là bậc thềm và cột hiên làm bằng đá xanh của toà tiền đường 3 gian 2 dĩ cửa bức bàn. Trên nóc có gắn hình cuốn thư đề tên chùa và những hình linh thú. Hai bên xây tường hồi bít đốc, có cửa ngách. Toà thượng điện sâu 4 gian kết nối với gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”. Xung quanh sân sau là nhà Tổ, nhà Mẫu, và nhà Ni.
Di vật
Chùa Ngọc Phúc bảo lưu được 3 tấm bia đá, một tấm trong đó ghi nhận việc người dân đã hiến đất để xây chùa vào năm 1679. Hiện bài trí một hệ thống đầy đủ tượng Phật giáo Bắc tông thế kỷ XVIII. Ngoài ra chùa còn 2 bát hương sứ da lươn với phong cách thời Lê trung hưng, 3 quả chuông đồng tạo tác của thế kỷ XIX và nhiều đồ tiến cúng mang niên đại từ các năm 1821, 1824.
- Phật điện chùa Ngọc Phúc. Ảnh ©NCCong 2022
Năm 1997 chùa thôn Ngọc Phúc đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Đồng Bụt: xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.
- Đình Đĩnh Tú: xã Cấn Hữu, Quốc Oai.
- Đình Ngọc Than: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Đình Ngô Sài: TT Quốc Oai.
- Đình Phú Mỹ: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Động Hoàng Xá: thị trấn Quốc Oai.
©NCCông 2021-2022, Ngoc Phúc Pagoda