929 Phu My Pagoda
Chùa Phú Mỹ
h.Quốc Oaisông TíchLê trung hưngChùa Phú Mỹ có từ thế kỷ XVIII, và đại trùng tu năm 1936. Xếp hạng: di tích quốc gia (2001). Vị trí: XJPG+G8Q, xã Ngọc Mỹ, H. Quốc Oai, TP Hà Nội. Toạ độ: 20°59’10"N 105°37’33"E. Cách BĐX Bờ Hồ: 29 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Trại Đồng Dơi Xã Thạch Thán - TL421B (xe 87)
Địa lý
Xã Ngọc Mỹ thuộc huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Mã hành chính là 09910. Địa giới phía bắc giáp huyện Thạch Thất; phía nam giáp xã Cấn Hữu; phía đông nam giáp xã Thạch Thán; phía đông bắc giáp thị trấn Quốc Oai; phía tây bắc giáp xã Ngọc Liệp; phía tây nam giáp 2 xã Liệp Tuyết và Nghĩa Hương.
Xã Ngọc Mỹ nằm cách sông Đáy 5 km về phía tây và cách sông Tích 5 km về phía đông. Giao thông có Đại lộ Thăng Long và tỉnh lộ TL412B với các tuyến xe bus 74, 88, 107 và 87 đi qua. Đang mở một tuyến nối 2 con đường trên với độ dài khoảng 3,5 km. Xã có tổng diện tích đất tự nhiên 5,56 km², dân số năm 2014 là 11.767 người với 2.846 hộ sống tập trung ở 2 thôn Ngọc Than và Phú Mỹ.
- Tam quan chùa Phú Mỹ. Ảnh: ©NCCong 2021
Lược sử
Thời Nguyễn đời vua Duy Tân (1907-1916) thôn Phú Mỹ đổi thành xã Phú Mỹ, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây. Sau Cách mạng tháng Tám 1945, chính quyền mới bỏ huyện An Sơn, đổi phủ Quốc Oai thành huyện Quốc Oai. Cấp xã trở lại thành cấp thôn, 2 thôn Ngọc Than và Phú Mỹ sáp nhập thành xã Ngọc Mỹ.
Theo nội dung bài minh “Điền chủ bi chi” soạn năm Minh Mệnh thứ 10 (1829), chùa được khởi dựng từ thế kỷ XVIII thời Lê trung hưng. Đến năm Bảo Đại thứ 11 (1936) ngôi chùa được đại trùng tu. Kiến trúc từ đó định hình cho đến nay.
Năm 2001 chùa [và đình] thôn Phú Mỹ đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Gác chuông chùa Phú Mỹ. Ảnh: ©NCCong 2021
Kiến trúc
Tam quan mở ra đường liên xã, cổng nhìn về phía tây như cổng đình ở bên cạnh. Có con ngõ dẫn vào một gác chuông xây kiểu chồng diêm 2 tầng 4 mái. Toà tiền đường nằm ngay sau lưng đình, gồm 5 gian 2 dĩ, xây tường hồi bít đốc tay ngai với hai mái chảy lợp ngói ri. Các bộ vì đỡ mái chỉ khác nhau chút ít, dựa trên 4 hàng chân cột gỗ lim. Hai bộ vì hồi làm theo kiểu thượng chồng rường, hạ rường nách, kẻ hiên. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu kèo kẻ tiết diện vuông. Hai bộ vì còn lại làm theo kiểu thượng giá chiêng, hạ kẻ chuyền xà nách, kẻ hiên.
Hậu cung gồm 3 gian dọc nối vào gian giữa tiền đường thành hình “chữ Đinh”, xây kiểu chồng diêm 2 tầng 4 mái. Hai bộ vì làm theo kiểu kèo kẻ tiết diện vuông. Từ ngoài vào trong hậu cung có các bệ xây cao dần để bài trí Phật điện. Các mảng trang trí trên gỗ của cả chùa nói chung tương đối đơn giản, chủ yếu gồm các hoa văn.
Di vật
Trong chùa Phú Mỹ hiện còn bảo lưu một hệ thống tượng Phật giáo Bắc Tông đầy đủ với 37 pho tượng tròn, một toà Cửu Long, tượng Đức Thánh Trần, và một số tượng Mẫu. Các tượng tròn chủ yếu được làm từ gỗ và giấy luyện, có niên đại thế kỷ XVIII-XIX. Ngoài ra lại có 02 bia đá thời Nguyễn, 01 hoành phi, 01 quả chuông đồng đúc năm 1818, hai bát hương gốm Thổ Hà tạo tác vào TK XVIII, một bát hương đất nung TK XIX, một câu đối và nhiều đồ thờ tự khác.
Di tích lân cận
- Chùa Đồng Bụt: xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.
- Chùa Ngọc Phúc: xã Ngọc Liệp, Quốc Oai.
- Đình Phú Mỹ: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Đình Ngọc Than: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Đình Ngô Sài: TT Quốc Oai.
- Động Hoàng Xá: thị trấn Quốc Oai.
©NCCông 2021-2022, Phu My Pagoda