931 Can Thương Pagoda
Chùa Cấn Thượng (Sùng Hưng Tự)
h.Quốc Oaisông TíchLê trung hưngChùa thôn Cấn Thượng có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Sùng Hưng Tự. Xếp hạng: di tích quốc gia (1995). Vị trí: XJ27+PMV, xã Cấn Hữu, H. Quốc Oai, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 34 km (hướng 8 h). Trạm bus lân cận: Trước Ngã 4 Cấn Thượng - TL 421B (xe 116), Nhà Văn Hóa Thôn Cấn Thượng - TL 421B (xe 87)
Địa lý
Thôn Cấn Thượng thời Lê thuộc xã Kinh Xá, tổng Cấn Xá, huyện An Sơn, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Nam Thượng (sau nhà Nguyễn đổi thành tỉnh Sơn Tây). Năm 1945 thôn Cấn Thượng hợp nhất với thôn Cấn Hạ thành xã Cấn Xá. Năm 1948 xã Cấn Xá hợp nhất với xã Hữu Quang thành xã Cấn Hữu. Giao thông thuỷ bộ thuận tiện với sông Tích và đường tỉnh lộ TL412B, lại có 2 tuyến xe bus 87 và 116 đi qua.
Xã Cấn Hữu có diện tích 9,87 km², dân số năm 1999 là 8813 người, sống trong 6 thôn: Thượng Khê, Thái Khê, Cấn Hạ, Cấn Thượng, Cây Chay, Đĩnh Tú. Xã nay thuộc huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Địa giới phía đông bắc giáp xã Đồng Quang, phía bắc giáp xã Nghĩa Hương, phía tây giáp 2 xã Hoà Thạch, Tuyết Nghĩa (4 xã trên của huyện Quốc Oai), phía tây nam giáp xã Đông Yên, phía đông nam giáp xã Đông Sơn (2 xã này của huyện Chương Mỹ).
- Tam quan chùa Cấn Thượng. Photo ©NCCong 2021
Lược sử
Phía sau lưng đình làng Cấn Thượng là một ngôi chùa, tên chữ Sùng Hưng Tự. Những viên gạch vồ, tượng Phật và hoạ tiết trang trí hoa lá khắc chìm cho phép đoán định chùa được xây dựng dưới thời Lê trung hưng, cũng vào khoảng thế kỷ XVIII như ngôi đình. Chùa đã trải qua nhiều lần sửa chữa, tôn tạo và dáng vẻ được định hình từ thời Nguyễn. Chùa đã trở thành trung tâm sinh hoạt tâm linh của nhân dân làng Cấn Thượng và từng là một cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng vào thời kỳ tiền khởi nghĩa năm 1945.
Tại Quyết định số 2233/QĐ/BT ngày 26/6/1995, chùa Sùng Hưng Tự đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
- Sân chùa Cấn Thượng. Photo ©NCCong 2021
Kiến trúc
Trong đợt đại trùng tu vào cuối thập kỷ 2010, tam quan được xây kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái, nhìn vào lưng đình Cấn Thượng ở phía tây nam, bên tả có con ngõ ngắn thông ra đường tỉnh lộ DT 421B, cũng giống như cổng hậu của chùa. Sau tam quan là một sân vuông dẫn khách tới bậc thềm khu chùa chính có kết cấu hình “chữ Công”.
Toà tiền đường gồm 5 gian 2 dĩ, dài 21,3 m, rộng 7 m, xây tường hồi bít đốc. Các bộ vì dựa trên 6 hàng chân cột gỗ lim, làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ hiên”. Một nhà cầu ống muống nối tiền đường với toà thượng điện 3 gian 2 dĩ, dài 9 m, rộng 7,5 m. Phía sau là nhà Tổ gồm 4 gian, kiến trúc bộ mái theo kiểu “kèo cầu quá giang”.
- Từ cổng chùa Cấn Thượng. Photo ©NCCong 2021
Di vật
Chùa Sùng Hưng Tự vẫn còn giữ được dấu tích thời Lê với loại gạch vồ, hoạ tiết trang trí hoa lá khắc chìm tiêu biểu của thế kỷ XVIII. Nổi bật là hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông phong phú gồm có 60 pho tượng tròn được bài trí trên Tam bảo trong toà thượng điện và tiền đường. Tượng tạc ở tư thế tự nhiên, mặt đầy đặn, mũi cao, mang phong cách nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ XVIII-XIX, ví dụ các đài sen cánh mập thu gọn về đầu hoa văn xoắn hình chữ S, v.v..
Kiến trúc bên trong hiện nay chủ yếu là bào trơn đóng bén, với một vài hoạ tiết hoa văn mây lá và nét chạm phóng khoáng, mềm mại, in đậm phong cách dân gian. Tại câu đầu, kẻ hiên có các tấm lá che được làm bằng đất nung với hoa văn khắc chìm, ít thấy ở các ngôi chùa khác.
- Phật điện chùa Cấn Thượng
Di tích lân cận
- Chùa Phú Mỹ: xã Ngọc Mỹ, Quốc Oai.
- Đình Cấn Thượng: xã Cấn Hữu, Quốc Oai.
- Đình Đĩnh Tú: xã Cấn Hữu, Quốc Oai.
- Đình Đông Cựu: xã Đông Phương Yên, Chương Mỹ.
- Đình Thạch Thán: xã Thạch Thán, Quốc Oai.
- Quán Lương Sơn: xã Đông Sơn, Chương Mỹ.
©NCCông 2011-2022, Can Thuong pagoda