933 Phu Da Village Hall

Đình Phú Đa

h.Thạch ThấtLê trung hưngsông Tích

Đình Phú Đa (làng Gia) được dựng vào thời Lê trung hưng. Thờ: thành hoàng Đào Khang, tướng của Hai Bà Trưng. Xếp hạng: di tích quốc gia (1993). Vị trí: 2H8M+345, xã Cần Kiệm, H. Thạch Thất, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 32 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: KCN Bình Phú - TL419 (xe 89)

Địa lý

Từ trung tâm thành phố Hà Nội du khách đi về phía tây theo Đại lộ Thăng Long, qua thị trấn Quốc Oai rẽ phải vào đường liên tỉnh TL419 đi tiếp khoảng 3 km quá Trung tâm Y tế huyện Thạch Thất thì có đường liên thôn H13 ở bên tay trái để rẽ vào thôn Phú Đa (cách chỗ rẽ khoảng 2 km). Thôn này thuộc xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất.

Xã Cần Kiệm có mã hành chính 09991, diện tích 7,23 km², dân số 9.368 người năm 2021, mật độ dân số đạt 1.295 người/km². Địa giới phía đông giáp 3 xã Chàng Sơn, Thạch Xá và Bình Phú, phía tây giáp 2 xã Hạ Bằng và Tân Xã, phía bắc giáp xã Kim Quan, phía nam giáp xã Đồng Trúc và xã Ngọc Liệp (thuộc huyện Quốc Oai). Sông Tích chảy từ bắc xuống nam, chia xã làm hai phần.

Trước đình Phú Đa. Ảnh ©NCCong 2022

Lược sử

Đình Phú Đa thuộc thôn Phú Đa 2, nằm ở phía tây nam xã Cần Kiệm, trước mặt là sông Tích. Thôn Phú Đa tên Nôm là làng Gia, nổi tiếng về nghệ thuật múa rối nước, trước kia năm nào cũng đi biểu diễn rối nước ở hội chùa Thầy. Bản ngọc phả lưu trong hậu cung ghi đình thờ thành hoàng Đào Khang là một đại tướng đã giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi thái thú Tô Định vào đầu công nguyên.

Tương truyền ngài Đào Khang cho đóng đồn, lập trang trại ở thôn Phú Đa, dậy dân trồng cấy, khơi mương, đào ngòi. Sau khi hoá, ngài được triều đình phong làm phúc thần. Hàng năm hội làng được tổ chức vào ngày mùng 3 tháng Tư âm lịch, có tế lễ và diễn xướng tưởng nhớ công trạng của thành hoàng làng, có trò múa gậy trên cạn và múa rối nước ở ao đình.

Sân đình Phú Đa. Ảnh ©NCCong 2022

Kiến trúc

Đình Phú Đa mặt nhìn ra đê sông Tích ở phía tây nam. Cổng đình làm kiểu nghi môn tứ trụ, thân trụ đắp câu đối chữ Hán, hai bức tường nối trụ đắp nổi hình đôi voi trận. Hai cửa phụ nhỏ xây 2 tầng 8 mái giả. Sau cổng là sân đình, hai bên nằm đối diện nhau qua sân có dãy nhà tả hữu vu 3 gian kiểu tường hồi bít đốc.

Toà đại đình rộng 3 gian 2 dĩ, xung quanh bưng tường xây nâng 4 mái, 4 góc mái đao cong cong, tầu hiên võng như mạn cột con thuyền. Các bộ vì ở gian giữa được làm theo kiểu “thượng rường hạ bẩy”. Hai vì gian dĩ được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”. Hậu cung sâu 3 gian, kết nối với gian giữa đại đình thành hình “chữ Đinh”.

Hông đình Phú Đa. Ảnh ©NCCong 2021

Di sản

Trong đại đình hiện nay vẫn còn các bức chạm khắc rồng nổi, hình người cưỡi ngựa và hai thiếu nữ hát mừng hội làng, là những tác phẩm mang phong cách nghệ thuật tiêu biểu ở thế kỷ XVIII. Đồ thờ ở đình khá phong phú và in đậm dấu ấn nghệ thuật của thời Lê và thời Nguyễn, gồm ngai thờ, kiệu song loan thế kỷ XVIII, hương án, quán tấy, đại tự, câu đối thế kỷ XIX…

Đáng lưu ý là tại đình Phú Đa vẫn lưu giữ được bộ tượng rối nước cổ, trước kia thường xuyên đem đi múa thờ ở hội chùa Thầy. Trong đình còn có một bàn thờ Tổ nghề múa hát, tục gọi là “Đức Thánh Nhà Trò”, phía trên có treo bức hoành phi đề 3 chữ Hán “Lễ lạc tông”, cho biết nguồn gốc nghệ thuật của làng Gia.

Cổng đình Phú Đa. Ảnh ©NCCong 2022

Ngày 18 tháng 1 năm 1993 đình Phú Đa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2021-2022, Phu Da Village Hall