936 Truc Dong Village Hall

Đình Trúc Động

h.Thạch ThấtHai Bà Trưngsông Tích

Đình Trúc Động có từ thời Lê trung hưng. Thờ thành hoàng: thần Giám Sát, con của Âu Cơ và Lạc Long Quân. Xếp hạng: di tích quốc gia (1990). Vị trí: XHXF+48X, xã Đồng Trúc, H. Thạch Thất, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 33 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Thôn Đồng Kho xã Đồng Trúc - Đại lộ Thăng Long (xe 74, 88, 107)

Địa lý

Xã Đồng Trúc thuộc huyện Thạch Thất, nằm cách trung tâm huyện ở phía bắc là thị trấn Liên Quan khoảng hơn 5 km. Xã tiếp giáp một đoạn ngắn của sông Tích ở phía đông nam. Địa giới phía bắc giáp xã Cần Kiệm, phía tây giáp xã Hạ Bằng (2 xã trên cùng thuộc huyện Thạch Thất), phía đông giáp 2 xã Ngọc Liệp, Tuyết Nghĩa, phía nam giáp xã Phú Cát (3 xã này thuộc huyện Quốc Oai).

Giao thông qua xã có các tuyến xe bus 74, 88, 107 chạy trên Đại lộ Thăng Long nằm ngang theo trục đông-tây. Xã có mã hành chính 10012, tổng diện tích đất tự nhiên 6,62 km², dân số năm 2021 là 7.194 người, mật độ dân số đạt 1.086 người/km². Cư dân hiện sống tập trung ở các thôn Trúc Động, Trúc Voi, Chầm Muộn, Khu Ba Tam Cảnh, Xóm Đông, Đồng Kho và Đồng Táng. Nơi đây hiện có nhiều địa chỉ khảo cổ và trong các di tích còn lưu giữ được nhiều cổ vật.

Đình Trúc Động. Ảnh: ©NCCong 2022

Lược sử

Xã Đồng Trúc có 3 ngôi đình làng cổ: Trúc Động, Đồng Táng, Đồng Kho, trong đó nổi tiếng nhất là đình Trúc Động được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đây là một ngôi đình khởi dựng vào thời Lê trung hưng. Theo bản ngọc phả lưu trữ tại đình thì trong hậu cung thờ vị thành hoàng là thần Giám Sát, con của Âu Cơ và Lạc Long Quân.

Tương truyền rằng một lần dẫn quân đánh thái thú Tô Định, Hai Bà Trưng nghỉ chân tại Trúc Động. Đêm đó, Trưng Trắc chiêm bao thấy một cụ già dáng người cao lớn đi từ ngoài vào xưng tên là Giám Sát, con của Lạc Long Quân, làm thần ở làng này. Cụ hứa phù hộ Hai Bà phá được địch. Hôm sau, Hai Bà quả nhiên đã đánh tan giặc Hán đúng như thần bảo. Hai Bà liên tiếp hạ được 65 thành, giành lại non sông của các vua Hùng, bèn phong thần Giám Sát là thành hoàng làng.

Sân đình Trúc Động. Ảnh: ©NCCong 2022

Kiến trúc

Cổng đình Trúc Động kiểu nghi môn bịt tường hoa, mặt quay phía nam nhìn qua hồ nhỏ, cạnh đó là một giếng tròn xây bằng đá ong. Hai bên sân có cửa ngách khá to và tượng đôi voi chầu mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Toà tiền tế cũng kiểu thời Nguyễn, xây chồng diêm, 8 mái đao cong, 2 bên có dãy nhà tả hữu vu. Đại bái gồm 5 gian làm vào thế kỷ XVIII, mái lợp ngói mũi hài, trên mũi là hoa văn hình vân xoắn. Các bộ vì rường cốn đặt trên câu đầu đè xuống hệ cột gỗ to kê chân tảng đá xanh.

Các mảng trang trí bằng chạm khắc gỗ tập trung trên các bộ vì của toà tiền tế và đại bái. Đề tài chủ yếu là rồng, phượng, linh thú và hoa lá cách điệu mang phong cách cuối thời Lê đầu thời Nguyễn. Các điêu khắc hình rồng ở đầu bẩy, đầu dư ở toà đại bái in đậm dấu ấn nghệ thuật cuối thế kỷ XVIII.

Lưng đình Trúc Động. Ảnh: ©NCCong 2022

Di sản

Đình Trúc Động hiện bảo lưu được 33 đạo sắc phong thần, đạo cổ nhất mang niên đại Đức Long 3 (1632), đạo cuối cùng có niên hiệu Khải Định 9 (1924). Lại còn giữ 4 bản ngọc phả, trong đó có bản “Trúc Động xã sự tích” rất quý hiếm. Các tư liệu đó nêu ra việc quê quán của Hai Bà Trưng là ở Hạ Lôi (Hạ Bằng) và cuộc khởi nghĩa đã diễn ra trên nhiều tỉnh thành hiện nay như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh…

Tại toà đại bái bày đôi hạc gỗ cao tới 262cm, sơn son thếp vàng và đứng trên lưng rùa. Ngoài ra có dựng một tấm bia đá thời Lê ghi chép điều lệ ruộng đất, chức sắc và thể lệ tham dự lễ hội. Lễ hội đình làng được nhân dân địa phương tổ chức hằng năm làm hai kỳ vào ngày 12 tháng Hai và ngày 13 tháng Tám âm lịch.

Hông đình Trúc Động. Ảnh: ©NCCong 2022

Năm 1990 đình thôn Trúc Động đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

©NCCông 2021-2022, Truc Dong community hall