937 Dong Tang Village Hall

Đình Đồng Táng

Cao Sơnh.Thạch Thấtsông TíchQuý Minh

Đình Đồng Táng có từ thời Lê trung hưng. Thờ 3 thành hoàng: Cao Sơn, Quý Minh, quan Giám Sát. Xếp hạng: di tích quốc gia (2008). Vị trí: XHRF+3J, Đồng Trúc, Thạch Thất, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 32 km (hướng 9 h). Trạm bus lân cận: Thôn Đồng Kho xã Đồng Trúc - Đại lộ Thăng Long.

Địa lý

Xã Đồng Trúc thuộc huyện Thạch Thất, nằm cách trung tâm huyện ở phía bắc là thị trấn Liên Quan khoảng hơn 5 km. Xã tiếp giáp một đoạn ngắn của sông Tích ở phía đông nam. Địa giới phía bắc giáp xã Cần Kiệm, phía tây giáp xã Hạ Bằng (2 xã trên cùng thuộc huyện Thạch Thất), phía đông giáp 2 xã Ngọc Liệp, Tuyết Nghĩa, phía nam giáp xã Phú Cát (3 xã này thuộc huyện Quốc Oai).

Giao thông qua xã có các tuyến xe bus 74, 88, 107 chạy trên Đại lộ Thăng Long nằm ngang theo trục đông-tây. Xã có mã hành chính 10012, tổng diện tích đất tự nhiên 6,62 km², dân số năm 2021 là 7.194 người, mật độ dân số đạt 1.086 người/km². Cư dân hiện sống tập trung ở các thôn Trúc Động, Trúc Voi, Chầm Muộn, Khu Ba Tam Cảnh, Xóm Đông, Đồng Kho và Đồng Táng.

Cầu vào đình Đồng Táng. Ảnh ©NCCong 2022

Lược sử

Xã Đồng Trúc có 3 ngôi đình làng cổ là: Đồng Táng, Đồng Kho, và Trúc Động, trong đó đình Đồng Táng có phong cảnh ven hồ rất đẹp. Đây là một ngôi đình khởi dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Theo bản ngọc phả lưu trữ trong hậu cung thì đình thờ 3 thành hoàng là: Cao Sơn, Quý Minh (2 vị sơn thánh em họ của thần núi Tản Viên đã giúp Hùng Vương thứ 18 đánh tan quân Thục), và Giám Sát đại vương (vị thần đã âm phù giúp Hai Bà Trưng đánh thắng quân Tô Định).

Kiến trúc

Du khách từ Hà Nội đi xe bus số 74, 88, 107 theo Đại lộ Thăng Long đến trạm dừng “Thôn Đồng Kho” thì xuống rồi rẽ phải đi bộ chừng 200m đến chân cầu vượt Đồng Trúc sẽ nhìn thấy biển đề tên của Di tích đình Đồng Táng với con ngõ nhỏ dẫn khách xuống cây cầu bắc sang bờ ao bên kia có kè đá vây quanh.

Cổng ngoài đình Đồng Táng. Ảnh ©NCCong 2022

Du khách đi vào chiếc cổng đình thứ nhất và đi theo lối đến chân gò rồi bước lên khu đình chính qua chiếc cổng thứ hai. Đình gồm 3 toà tiền tế, đại bái và hậu cung xếp song song thành hình “chữ Tam”. Toà tiền tế xây tường hồi bít đốc tay ngai, mặt trước và mặt sau để thông thoáng, phía trước là sân hẹp và một nghi môn tứ trụ nhìn qua ao sang chiếc cầu vượt ở phía đông. Nóc tiền tế đắp bờ đinh, 2 đầu bờ gắn con kìm, ở giữa gắn hình lưỡng long trào nguyệt, 4 góc mái đao cong. Các bộ vì làm kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ bẩy” đặt trên quá giang. Trang trí trên bộ khung ít, chủ yếu chỉ có chạm rồng cách điệu hình lá lật kẻ chuyền, xà, quá giang chạm còn đấu soi bào vỏ măng. Phía trên giá chiêng là cái đấu hình hoa sen đội thượng lương.

Toà đại bái xây tường hồi bít đốc, hai mái chảy có tay ngai, đỉnh trụ đắp hình con giống. Trên bờ nóc giữa đắp hình mặt trời. Hai bộ vì giữa làm kiểu “thượng giá chiêng, hạ kẻ bẩy”. Hai bộ vì hồi làm kiểu “thượng chồng rường con nhị, hạ rường nách giá chiêng”. Trang trí trên bộ khung đơn giản, chủ yếu là bào soi vỏ măng.

Cổng trong đình Đồng Táng. Ảnh ©NCCong 2022

Hậu cung kiểu “tiền đao hậu đốc” gồm 2 gian 1 dĩ chạy dọc. Hai đầu bờ nóc có gắn con kìm, đao đắp rồng, chỗ gấp khúc bờ dải gắn con xô (sấu). Bộ vì trong làm kiểu “thượng chồng rường cốn mê”. Phía trước có 3 lối đi. Bên trong bày hương án gỗ 3 tầng, gian ngoài bày 1 bàn, gian trong xây bệ thờ bằng gạch, trên bệ đặt sập gỗ với 3 cỗ long ngai bài vị.

Di sản

Đình Đồng Táng hiện vẫn bảo lưu được 3 bản ngọc phả ghi lại sự tích các thần bằng chữ Hán và 13 đạo sắc phong thần cho 3 vị đại vương làm thành hoàng làng. Lại còn có 1 cỗ kiệu bát cống sơn son thếp vàng, 1 cỗ kiệu song hành, 3 bộ long ngai bài vị, 3 bát hương gốm Thổ Hà từ thế kỷ XVIII, 2 bộ bát bửu và 1 hương án gỗ 3 tầng chạm nổi và chạm lộng đều tạo tác vào thời Nguyễn. Ngoài ra có 1 cây quán tẩy chạm tứ linh tứ quý và nhiều đồ thờ tự khác như cờ, quạt, lọng, tán, đài nước, quả đựng mũ áo các thần.

Ngõ vào đình Đồng Táng. Ảnh ©NCCong 2021

Năm 2008 đình thôn Đồng Táng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

937 dinh Dong Tang ©NCCông 2021-2022