938 Thuong Khe Tang Village Hall
Đình Thượng Khê Tang
h.Thanh Oainhà Trầnsông NhuệĐình Thượng Khê Tang khởi dựng năm 1698. Thờ thành hoàng: Trần Hưng Đạo, Trần Thông. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1986). Vị trí: xóm Mỹ, thôn Khê Tang, WQCH+2WH, Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 17 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Qua 50M Cầu Khê Tang - Đường Cienco 5.
Địa lý
Xã Cự Khê nay nằm giáp ranh giữa quận Hà Đông và huyện Thanh Trì, nơi con sông Nhuệ và đường trục phía nam Hà Nội đi qua. Xã có mã hành chính 10120, tổng diện tích đất tự nhiên 5,76 km², dân số năm 2022 là 23.000 người, mật độ dân số đạt 3.993 người/km².
Xã Cự Khê gồm 3 làng cổ: Khê Tang, Khúc Thủy và Cự Đà. Làng Khúc Thủy và Cự Đà trải dài theo bờ tây dòng sông Nhuệ. Cả hai nổi tiếng về nghề buôn và các nghề phụ, còn làng Khê Tang chuyên về nghề nông. Từ ngày 1/8/2008, tỉnh Hà Tây sáp nhập về TP Hà Nội. Dự án đường trục phía nam khởi động cùng tốc độ đô thị hoá quá nhanh đang làm thay đổi diện mạo giao thông, kinh tế và đời sống dân cư nơi đây.
- Tiền tế đình Thượng Khê Tang ©NCCông 2021
Lược sử
Đình xóm Thượng làng Khê Tang, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội toạ lạc bên cạnh chùa Trì Bồng ở đầu phía nam cầu Khê Tang. Trong đình thờ Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn (1232-1300), nguyên soái tổng tư lệnh quân đội nhà Trần từng 2 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Ngài đã xin vua cho xã Cự Khê được miễn tạp dịch vì đây là nơi ngài được chở che hồi nhỏ khi Trần Liễu nổi loạn. Tượng đài ngài nay được đặt tại khu vườn đối diện với đình.
Trong đình còn thờ tướng Trần Thông, con trai của thượng tướng Trần Khát Chân. Do cha bị Hồ Quý Ly giết hại, ngài phải ẩn cư ở vùng Khê Tang - Khúc Thuỷ rồi đi tu ở chùa Yên Tử. Sau khi nhà Hồ bị diệt, ngài xuống núi tham gia cuộc khởi nghĩa của Trần Ngỗi chống lại ách cai trị của nhà Minh (1409) và trở thành một danh tướng.
- Trước đình Thượng Khê Tang ©NCCông 2021
Kiến trúc và di sản
Đình Thượng Khê Tang khởi dựng năm 1698. Cổng đình xây kiểu nghi môn tứ trụ. Từ cổng đi qua một sân nhỏ hẹp đến ngay toà tiền tế là một phương đình 2 tầng 8 mái, 4 kẻ chạm đầu vào đình, không có các “vỉ ruồi”. Tại đây bày bộ đôi ngựa hồng bạch, hương án và các đồ rước lễ tế. Hai bên sân đình là dãy nhà tả hữu mạc 3 gian đối diện qua toà tiền tế.
Sát tiền tế là toà đại bái 3 gian 2 chái to nhìn về phía tây. Các bộ vì làm theo kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị” mang niên đại Chính Hoà với kiến trúc vừa có kẻ vừa có bẩy. Tại những bức cốn, đầu dư chạm khắc hình đầu rồng và những linh thú với đao mác thời Lê trung hưng. Bức cửa võng ở gian giữa có trang trí điêu khắc kiểu cuối thế kỷ XVII đầu XVIII. Rồng có hình đuôi bút lông và phượng như đang tung bay nhảy múa. Toà hậu cung kết nối vào gian giữa đại bái thành hình “chữ Đinh”, được thực hiện vào đầu thế kỷ XX. Các bộ vì làm theo kiểu “vì kèo quá giang”, chủ yếu bào trơn đóng bén.
- Sân sau đình Thượng Khê Tang ©NCCông 2021
Cứ đến năm chẵn vào ngày rằm tháng Hai âm lịch nhân dân địa phương lại tổ chức đại lễ hội đình. Năm 1986 ngôi đình Thượng Khê Tang đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Bối Khê: thôn Song Khê, xã Tam Hưng.
- Chùa Cự Đà: thôn Cự Đà, xã Cự Khê.
- Đình, miếu Thiên Đông: thôn Thiên Đông, xã Mỹ Hưng.
- Đình Đan Thầm: thôn Đan Thầm, xã Mỹ Hưng.
- Đình Hạ Khê Tang: thôn Khê Tang, xã Cự Khê.
- Đình Khúc Thủy: thôn Khúc Thủy, xã Cự Khê.
938 dinh Thuong Khe Tang ©NCCông 2020-2021