949 Bai Truong village hall

Đình Bài Trượng

h.Chương MỹLê trung hưngsông Đáy

Đình Bài Trượng có từ thế kỷ XVIII. Thờ: đức thành hoàng làng là Hùng Duệ Công và phu nhân. Xếp hạng: Di tích quốc gia (2001). Vị trí: VPFH+74C, thôn Bài Trượng, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 26 km (hướng 7 h). Trạm bus lân cận: Chùa Bài Trượng (xe 124)

Địa lý

Hoàng Diệu là một xã thuộc huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Địa giới về phía nam giáp 2 xã Thượng Vực, Văn Võ, phía bắc giáp xã Lam Điền, phía tây giáp 2 xã Hợp Đồng, Quảng Bị (5 xã trên đều thuộc huyện Chương Mỹ), phía đông giáp huyện Thanh Oai. Về giao thông có đường Hoàng Diệu vắt ngang, tỉnh lộ DT 419 ở gần dọc địa giới phía tây, và đường liên xã Hữu Đáy đi chéo qua xã.

Xã Hoàng Diệu có mã hành chính 10078, tổng diện tích đất tự nhiên 8,06 km², dân số năm 1999 là 8.381 người (hầu hết là người Kinh), mật độ dân số đạt 1.040 người/km². Hiện nay họ chủ yếu làm nghề nông và sinh sống trong bảy ngôi làng: An Hiền, An Vọng, Trại Hiền, Cốc Hạ, Cốc Thượng, Cốc Trung, và Bài Trượng.

Bờ sông trước đình Bài Trượng. Photo ©NCCong 2021

Lược sử

Thôn Bài Trượng nho nhỏ xinh xinh nằm liền kề dòng sông Đáy ở phía đông, chéo ngang giữa làng là đường đê Hữu Đáy với tuyến xe bus số 124 chạy qua, phía tây có con đường Máng Bảy, phía nam giáp thôn An Vọng, còn phía bắc giáp xã Lam Điền. Thôn có tên Nôm là làng Trượng. Đằng sau chợ Trượng có đền thờ công chúa Trần Thị Đoan Trang, rồi đến đình làng.

Đình Bài Trượng được khởi dựng từ cuối thời Lê trung hưng vào khoảng thế kỷ XVIII. Trong hậu cung đình thờ Hùng Duệ Công, một vị tướng đã giúp vua Hùng thứ 17 đánh thắng quân xâm lược, giữ yên đất nước. Ngoài ra tại đây còn phối thờ phu nhân ngài là công chúa Trần Thị Đoan Trang. Theo thần phả, hai thôn Bài Trượng và An Vọng vốn là đất phong của vợ chồng đức thành hoàng làng.

Cổng đình Bài Trượng. Photo ©NCCong 2021

Kiến trúc

Hơn ba trăm năm trôi đi, trải qua mấy lần trùng tu và tôn tạo đình Bài Trượng hiện nay mang dấu ấn của nghệ thuật kiến trúc và trang trí thời Nguyễn muộn. Cổng đình được xây kiểu nghi môn tứ trụ, trên các trụ biểu có đắp câu đối chữ Hán và trang trí hình linh thú. Mặt tường phía ngoài hai bên cổng phụ đắp nổi hình voi, hổ nhìn ra sân trước nơi có cổ thụ che bóng các bậc thang dẫn xuống dòng sông Đáy.

Sau cổng là sân với toà tiền tế 2 tầng 8 mái đao cong dựa trên 16 cây cột tròn nằm ở giữa, hai bên có dãy nhà tả hữu mạc 3 gian đối diện nhau. Ngay sau tiền tế là toà đại bái 5 gian tường hồi bít đốc nhìn về phía đông nam qua sân trước. Ba gian giữa toà đại bái được kết nối với toà thiêu hương và thượng điện theo hình “chữ Công”. Tất cả các mái đều lợp ngói màn.

Tiền tế đình Bài Trượng. Photo ©NCCong 2021

Di sản

Ngoài đồ tế khí và bản ngọc phả, trong đình làng Bài Trượng hiện còn giữ được những đạo sắc phong thần và mỹ tự do các triều đại từ thời Lê trung hưng đến thời Nguyễn ban tặng. Hằng năm nhân dân địa phương long trọng tổ chức lễ hội truyền thống tại đình làng để tưởng nhớ công ơn của đức Hùng Duệ Công, chính hội là vào mùng 10 tháng 3 âm lịch, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong dịp này còn diễn ra các trò chơi và biểu diễn văn nghệ dân gian.

Ngày 29 tháng 3 năm 2001, đình [và đền] thôn Bài Trượng đã được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Đền Bài Trượng. Photo ©NCCong 2021

Di tích lân cận

©NCCông 2019-2022 Bai Truong village hall