953 Linh Quy pagoda
Chùa Linh Quy (Kim Sơn)
h.Gia Lâmsông ĐuốngLê trung hưngChùa Linh Quy được xây vào thế kỷ XVIII. Tên chữ: 崋嚴寺 Hoa Nghiêm Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1996). Vị trí: 2XFJ+X6C, Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 21km (hướng 3h). Trạm bus: UBND xã Kim Sơn - QL17.
Địa lý
Kim Sơn là một xã thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Xã nằm ở vùng đất cát pha nhẹ bên bờ nam sông Đuống. Về giao thông ngoài đường sông còn có quốc lộ QL17 chạy qua. Địa giới phía bắc giáp sông Đuống (bên kia sông là xã Phù Đổng), phía nam giáp xã Dương Quang, phía tây giáp xã Phú Thị và Đặng Xá, phía đông giáp xã Lệ Chi và xã Xuân Lâm (H. Thuận Thành, Bắc Ninh).
Xã Kim Sơn có tổng diện tích tự nhiên 6,30 km², dân số năm 2022 là 14.106 người, mật độ dân số đạt 2.239 người/km², mã hành chính là 00562. Xã gồm thôn Linh Quy Bắc (Vụi Bắc), Linh Quy Đông (Vụi Đông), Giao Tất A (Keo Bằng), Giao Tất B (Keo), Giao Tự (Chè), Kim Sơn (Then) và khu dân cư phố Keo. Thôn Linh Quy trước đây có nghề thu gom giết mổ trâu, bò, lợn, ngoài ra còn trồng cúc lấy hạt, về sau chuyển sang trồng chuối và cây lâu năm...
- Chùa Linh Quy. Photo ©NCCong 2022
Lược sử
Chùa Linh Quy có tên chữ là Hoa Nghiêm Tự, nay thuộc thôn Linh Quy Bắc, xã Kim Sơn. Hiện không tìm thấy tài liệu nào ghi lại chính xác niên đại khởi dựng chùa nhưng căn cứ vào kiến trúc và những pho tượng tròn còn lại thì ta có thể đoán định đó là thời Lê trung hưng.
Trải qua mấy thế kỷ chùa đã không còn nguyên vẹn. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp chùa từng là địa điểm liên lạc của du kích nên bị đốt mất tam quan - gác chuông vào ngày 6/5/1954. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, chùa lại được sử dụng làm kho xăng dầu. Sau hoà bình và gần đây nhà chùa đã cho sửa chữa, tôn tạo một số hạng mục kiến trúc.
- Mặt sau chùa Linh Quy. Photo ©NCCong 2022
Kiến trúc
Chùa Linh Quy toạ lạc trên một khu đất khá rộng rãi cao ráo, cây cối um tùm. Toà tam quan - gác chuông được xây lại hoành tráng vào năm 2015, cổng mở ra đường quốc lộ QL17. Du khách bước qua cổng sẽ thấy bên tay trái là một vườn tượng cũng mới hoàn thành, còn trước mặt là toà tiền đường và ngôi chùa chính.
Toà tiền đường mới dựng gồm 5 gian 2 dĩ, kết cấu vì kèo. Chùa chính nằm trên nền cao 7 bậc, quay mặt nhìn hơi chếch về phía tây nam qua sân và vườn nhãn, 3 mặt kia là vách gỗ có hàng hiên hẹp với các cột xây. Đây là bộ phận kiến trúc gốc cũ của di tích và chỉ có một nếp nhà chạy dọc, còn 2 lớp mái chạy ngang là mái giả làm theo kiểu “thượng hư, hạ thực”. Bộ mái đồ sộ nổi bật với 4 góc đao uốn cong duyên dáng.
- Mặt bên chùa Linh Quy. Photo ©NCCong 2022
Sau các cửa bức bàn với cửa giữa thấp, 2 cửa bên cao, là không gian thờ Phật. Bộ vì làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng” dựa trên các cột gỗ thanh thoát có đường kính khoảng 30 cm. Gian giữa xây bệ để đặt tượng Phật, hai bên có xây các bệ khác nhỏ hơn. Giáp lưng là sân sau có mái tôn rồi đến toà nhà mới xây 5 gian để thờ Tổ, thờ Mẫu.
Di sản
Ngoài đồ thờ tự và các cổ vật như hoành phi, câu đối, cửa võng, bát hương, độc bình…, trong chùa còn bảo lưu được một hệ thống tượng Phật giáo Bắc tông có giá trị cao và mang dấu ấn phong cách nghệ thuật thời Lê trung hưng. Đáng chú ý nhất là các pho tượng Quan Âm chuẩn đề, toà Cửu long và Thích Ca sơ sinh. Bộ tượng Tam Thế đặt trên bệ cao gần sát mái. Tượng A Di Đà là pho tượng có kích thước lớn nhất của ngôi chùa. Lại có một pho tượng hậu được tạc bằng đá xám dưới dạng một người đàn ông.
- Cổng mới của chùa Linh Quy trên QL17
Năm 1996 chùa Linh Quy được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Di tích lân cận
- Chùa Keo: 2XGR+PH, QL17, xã Kim Sơn.
- Chùa Sủi: 2X97+8J, QL17, xã Phú Thị.
- Đình Giao Tự: 2XJQ+Q7, QL17, xã Kim Sơn.
- Đình, nghè Kim Sơn: 2XHM+45, QL17, xã Kim Sơn.
- Đình Linh Quy Đông: 2XFP+5PJ, QL17, xã Kim Sơn.
- Đình Trân Tảo: 2X9F+82, QL17, xã Phú Thị.
953 - chua Linh Quy ©NCCông 2017-2022