954 Yen Binh village hall

Đình Yên Bình

h.Gia LâmLê trung hưngsông Đuống

Đình Yên Bình được xây vào thời Lê trung hưng. Thờ thành hoàng: Sứ quân Lý Khuê. Lễ hội: 9-11 tháng Hai âm lịch. Xếp hạng: Di tích thành phố (2003). Vị trí: 2X78+3H2, Đường Ỷ Lan, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 15km (hướng 3h). Trạm bus lân cận: Gần Đường Vào Chùa Yên Bình - Đường Ỷ Lan (xe 52a, 52b).

Địa lý

Xã Dương Xá có mã hành chính 00571, thuộc huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. Xã có diện tích 4,95 km², dân số năm 2022 là 13.719 người. Địa giới phía đông giáp xã Dương Quang, phía tây bắc giáp thị trấn Trâu Quỳ và xã Phú Thị, phía tây nam giáp xã Kiêu Kỵ và xã Đa Tốn, phía đông nam giáp thị trấn Như Quỳnh và xã Tân Quang (huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên). Đường tỉnh lộ DT179 chạy dọc qua xã, và quốc lộ QL5A (AH14) chạy ngang nối liền Hà Nội với Hải Phòng.

Xã gồm 6 thôn: Yên Bình, Dương Đanh, Dương Đình, Dương Đá, Thuận Quang, Thuận Tiến và 5 cụm dân cư: Đường 5, Nội Thương, Chăn Nuôi, Ga Phú Thụy, Z176. Thời Lý đây vốn là trang Thổ Lỗi sau đổi thành hương Siêu Loại, thuộc lộ Bắc Giang, tới thời Trần thuộc về Kinh Bắc. Vào đời Quang Thuận thời Lê, triều đình lập phủ Thuận An gồm 5 huyện: Lang Tài, Gia Bình, Gia Lâm, Văn Giang, Siêu Loại; lúc đó Dương Xá là lỵ sở của huyện Siêu Loại.

Cổng đình Yên Bình. Photo ©NCCong 2022

Lược sử

Thôn Yên Bình còn gọi An Bình, tên Nôm là làng Bằng. Cách đình làng này không xa là di chỉ khảo cổ học Dương Xá có niên đại khoảng 3000 năm và được khai quật vào năm 1987. Hiện chưa thấy tài liệu nào ghi lại năm đình Yên Bình được khởi dựng nhưng căn cứ vào đạo sắc phong năm Quang Trung thứ 5 (1792) và một hương án mang phong cách thế kỷ XVIII nay còn giữ được thì đình đã có ít nhất từ cuối thời Lê trung hưng.

Đình Yên Bình thờ đại vương Lý Khuê, một trong 12 sứ quân ở thời Ngô Xương Ngập nối ngôi Ngô Quyền. Tuy thần phả bị thất lạc nhưng thân thế ngài có ghi trong sách Đại Việt sử ký toàn thư. Ngài vốn gốc thôn Đại Trạch, đóng quân cát cứ ở Siêu Loại để chống lại việc Dương Tam Kha cướp ngôi vua. Khi tướng Lưu Cơ đánh đồn Đình Tổ, ngài thua chạy và mất tại làng Dương Đanh. Về sau ngài đã được dân Yên Bình và Dương Đanh tôn làm thành hoàng làng.

Sân đình Yên Bình. Photo ©NCCong 2022

Kiến trúc

Đình Yên Bình nhìn về đường tỉnh lộ DT179 ở phía tây nam qua một hồ nhỏ. Cổng đình được xây vào thời Nguyễn theo kiểu ngũ môn quan, ở giữa gồm 3 tầng 8 mái, toàn bộ để gạch trần không trát vữa. Sau cổng là sân rồi tới toà đại đình 5 gian 2 dĩ nối qua ống muống với hậu cung theo hình “chữ Công” và có hai dãy tả hữu vu ở hai bên ống muống. Hậu cung gồm 3 gian nhỏ, gian giữa đặt long ngai bài vị thờ đức thành hoàng. Tất cả xây tường hồi bít đốc, các mái đều lợp ngói vẩy hến.

Di sản

Lễ hội đình Yên Bình được chính quyền và nhân dân sở tại tổ chức long trọng hằng năm từ ngày 9 đến 11 tháng Hai âm lịch để tưởng niệm đức thành hoàng làng là Sứ quân Lý Khuê.

Trong đình Yên Bình. Photo ©NCCong 2022

Năm 2003 ngôi đình [và chùa] làng Yên Bình đã được UBND TP Hà Nội xếp hạng Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật của thành phố.

Di tích lân cận

©NCCông 2022, Yen Binh village hall 954