959 Pho Quang pagoda

Chùa Phổ Quang

Long Biênsông Đuốngnhà Trần

Chùa Phổ Quang hay Tịnh Quang có từ thời Trần, từng được Đệ Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm là Huyền Quang trụ trì. Tên chữ: Phổ Quang Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1993). Vị trí: 3W98+RG2, phường Giang Biên, Long Biên, Hà Nội, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 10 km (hướng 2 h). Trạm bus lân cận: 608 - 610 Ngô Gia Tự - Gần Đường Lên Cầu Đuống (xe 10a, 10b, 15, 17, 43, 54, 122)

Lược sử

Chùa Phổ Quang hay Tịnh Quang vốn có từ thời Trần và từng được Đai thiền sư Huyền Quang trụ trì. Đến năm 1440 dưới đời vua Lê Thái Tông, chùa trở thành một ngôi chùa to đẹp nằm ở làng Tình Quang ven sông Đuống. Trong bài minh khắc trên quả chuông “Phổ Quang tự chung” đúc vào cuối thế kỷ XVIII có ghi rõ: “Phổ Quang Tự tích Trần triều Tam Tổ Trúc Lâm phái lưu thử, Hoàng Lê triều Thái Tông Tăng tự thạch chỉ trấn quốc trung nhất đại danh lam dã”, nghĩa là “Chùa Phổ Quang là di tích lịch sử triều Trần do Tam Tổ phái Trúc Lâm để lại. Đến triều đình Hoàng Lê đời vua Thái Tông đã chỉ dụ tu bổ tôn tạo đó là đại danh lam chung của đất nước”.

Trải qua 8 thế kỷ đầy biến động lịch sử, chùa Phổ Quang đã được sửa chữa và tôn tạo nhiều lần. Sau cuộc đại trùng tu vào thế kỷ XIX dáng vẻ kiến trúc của chùa đã định hình và mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Sân bên chùa Phổ Quang. Photo NCCong ©2022

Kiến trúc

Chùa Phổ Quang được xây dựng bên trong đê, trên một khu đất rộng đến gần 5.000m2, nằm giáp cánh đồng làng Tinh Quang. Cổng chùa là một tam quan đồ sộ với gác chuông quay về phía đông nam, xa hơn là khu tái định cư Việt Hưng. Sau cổng là cặp giếng “mắt rồng” ở hai bên lối đi dẫn đến chùa chính.

Chùa chính gồm 5 gian tiền đường kết nối với 3 gian thượng điện theo hình “chữ Đinh”. Các mái đều được lợp bằng ngói ta. Bộ khung được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng” Các mảng trang trí trên kiến trúc gỗ được thể hiện bằng kỹ thuật chạm khắc tinh xảo với những đề tài quen thuộc như: đầu rồng, mặt hổ phù, lá lật, mây lửa, hoa văn hình học, …. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng trong đó có những mảng đục chạm khỏe khoắn, phóng khoáng và có giá trị với phong cách nghệ thuật của thế kỷ XVII-XVIII.

Phía sau sân hậu là khu vực mới xây gần đây rất hoành tráng với giảng đường, nhà Mẫu, nhà Tổ, v.v...

Ao chùa Phổ Quang. Photo NCCong ©2022

Di vật

Trong chùa Phổ Quang có những pho tượng Phật quý giá được tạo tác từ thời Lê đến thời Nguyễn. Bộ tượng Tam Thế Phật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX. Bức tượng Phật A Di Đà chỉ cao khoảng 1m20; đài sen ở dưới được gia công gồm 3 lớp cánh, đầu các cánh sen đều rất nhọn Tượng mang nhiều tướng quý với nhục kháo có tướng “Vô kiến đỉnh” nổi đầu trên hộp sọ.

Bên cạnh các tượng quen thuộc như Khuyến Thiện, Trừng Ác, Đức Ông, Đức Thánh Hiền, tượng Mẫu, tượng Tổ,… có thể nói 2 pho tượng A Nan, Ca Diếp thuộc loại đẹp nhất ở chùa. Tay tượng A Nan được tạc trong tư thế “liên hoa”, còn tay tượng Ca Diếp là kết ấn “mật phùng”. Phần thân tượng cao khoảng 1m, khuôn mặt trái xoan, miệng nhỏ, sống mũi thẳng, tai dày, cổ hơi mập.

Ngoài các hoành phi, câu đối, cửa võng hương án... còn có quả chuông “Tình Quang chung” đúc vào năm Tự Đức thư hai (1849).

Tượng chùa Phổ Quang. Photo NCCong ©2022

Năm 1993 Bộ Văn hoá - Thông tin đã xếp hạng chùa Phổ Quang là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Di tích lân cận

959 Pho Quang pagoda ©NCCông 2014-2022