966 Tran Thuong temple

Đền Trần Thương

Hà Namsông Hồngnhà Trần

Đền Trần Thương có ít nhất từ thời Lê trung hưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia đặc biệt (2015). Vị trí: H4G4+F9, xã Nhân Đạo, H. Lý Nhân, Hà Nam. Toạ độ: 20°34’35"N 106°06’22"E. Cách Ga Hà Nội: 66 km (hướng 5h).

Lược sử

Đền Trần Thương nay thuộc xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Trong đền thờ Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn cùng các tướng có công trong 2 cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông vào nửa cuối thế kỷ XIII. Trong lịch sử Việt Nam, Trần Quốc Tuấn là một vị anh hùng dân tộc và thiên tài quân sự được vua Trần phong chức Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội đánh tan giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn Đại Việt.

Thần tích ghi rằng để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông lần thứ hai (năm 1285), Trần Quốc Tuấn đã chọn đất Trần Thương lập 6 kho lương thực. Địa thế nơi đây ở gần sông Hồng rất thuận tiện cho việc vận chuyển lương thảo của triều đình bằng đường thuỷ. Khi chiến thắng trở về, Trần Quốc Tuấn đã cho mở kho này và lấy lương thực tổ chức khao quân ăn mừng chiến thắng cùng nhân dân.

Cổng ngoại đền Trần Thương. Ảnh ©NCCong 2022

Năm 1783 vào cuối thời Lê trung hưng, để tưởng nhớ công ơn to lớn của Trần Quốc Tuấn, nhân dân làng Miễu đã lập một ngôi đền thờ ngài trên nền cũ của kho trung tâm trong số 6 kho quân lương cũ. Đền Trần Thương trở thành tôn miếu linh thiêng của đất nước. Nhân dân tôn vinh Hưng Đạo Đại Vương là Đức Thánh, là "Cửu Thiên Vũ Đế" từ trên trời hiển ứng xuống giúp dân, giúp nước, diệt trừ ma quỷ, giặc giã.

Kiến trúc

Từ ngoài đi vào trong du khách sẽ thấy các hạng mục: nghi môn ngoại, ngõ dài, nghi môn nội, sân lớn và đền chính. Đền chính có mặt bằng xây dựng theo hình “chữ Quốc” và bài trí theo kiểu “Tứ thủy quy đường” với 5 tòa đền gồm 15 gian chia thành 3 cung: Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam và 2 giải vũ, 5 giếng tròn… tạo nên những đặc điểm độc đáo của ngôi đền.

Cổng nội đền Trần Thương. Ảnh ©NCCong 2022

Cổng chính cao 2 tầng, tầng dưới xây cuốn vòm được trang trí hoa văn chung quanh. Tầng trên xây kiểu 8 mái và treo một quả chuông lớn, khi gõ tiếng vang xa tới khắp các làng bên. Con đường chạy vòng quanh được gọi là 2 tay ngai, ở bên Đông và bên Tây còn có 2 giếng nước được gọi là 2 “tai”. Nền trước cung Đệ tam có một giếng tròn mà dân gian gọi là “hố” hay “khẩu”. Cấu trúc của các giếng và đường tạo nên thế “hình nhân bái tướng”, “ngũ mã thất tinh”.

Theo thứ tự từ ngoài đền chính đi vào trong, đầu tiên là cung Đệ tam, nơi thờ Ban Công đồng và quan Ngũ Hổ, đồng thời cũng là nhà khách. Cung Đệ tam được xây dựng theo lối chồng rường, 2 đầu xây bít đốc giật cấp, mái lợp ngói nam, mặt trước là dãy cửa bức bàn. Phía trên gian giữa có treo bức đại tự “Văn đức võ công”.

Trước cung đệ Tam đền Trần Thương. Ảnh ©NCCong 2022

Tiếp đến là cung Đệ nhị, ban giữa thờ bá quan văn võ Trần triều và gia tộc của Đức thánh Trần, hai bên tả hữu thờ thần Bắc Đẩu và Nam Tào. Cung này gồm 5 gian, được xây cao hơn cung Đệ tam và lợp ngói ống cung đình thời Nguyễn, bờ nóc hai đầu hồi đắp hình hai con rồng lớn, phần giữa mái trên và mái dưới là các ô có đắp chữ Hán.

Cuối cùng là cung Đệ nhất (hay còn gọi là Cung cấm). Ban ở giữa cung thờ Đức Thánh Trần, hai bên trái và phải thờ bái vọng Đức Vương Phụ và Đức Vương Mẫu của Ngài. Cung này được lợp ngói ống, bộ cửa bức bàn gồm ba cửa được sơn son thếp vàng lộng lẫy.

Giữa hai cung là một cái giếng vuông, tương truyền là nơi an táng Đức Thánh Trần.

Cung đệ Nhị đền Trần Thương. Ảnh ©NCCong 2022

Di sản

Giá trị đền Trần Thương chủ yếu được thể hiện ở phần trang trí gỗ với các đề tài, họa tiết được chạm khắc công phu như: lưỡng long chầu nguyệt, rồng bay, phượng múa, sóng nước, mây trời…. Ngoài ra, trong đền còn lưu giữ một số hiện vật, đồ thờ có giá trị nghệ thuật cao như: hoành phi, câu đối, đại tự, ngai thờ, khám thờ, lục bình, bát hương, nghê đá, rùa đá… và chiếc kiếm bạc có vỏ làm bằng đồi mồi rất quý, chỉ được trưng bày vào những ngày lễ hội.

Năm 1989 đền Trần Thương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Ngày 23-12-2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2367/QĐ-TTg nâng hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt.

Giếng đền Trần Thương. Ảnh ©NCCong 2022

Di tích lân cận

966 Tran Thuong temple ©NCCong 2014-2022