973 Hien pagoda 千應寺
Chùa Hiến (Thiên Ứng Tự)
Hưng Yênsông Hồngnhà LýChùa Hiến được Tô Hiến Thành hưng công khởi dựng từ cuối thời Lý. Tên chữ: 千應寺 Thiên Ứng Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: J3Q6+J4X, đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 57km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Bến xe khách Hưng Yên.
Lược sử
Tương truyền chùa Hiến Hưng Yên được Tô Hiến Thành, đại thần nhà Lý, hưng công xây dựng vào cuối thế kỷ XII. Chùa có quy mô hoàn chỉnh vào thời Trần nhưng dáng vẻ ngày nay được định hình sau đợt trùng tu lớn vào thời Nguyễn. Chùa có tên chữ là 天 應 寺 (Thiên Ứng Tự) đặt theo niên hiệu của vua Trần Thái Tông (1232-1250). Khuôn viên chùa thuộc đất Phố Hiến Hạ, nay là đường Phố Hiến, phường Hồng Châu, TP Hưng Yên.
Chùa Hiến có cây nhãn lồng hơn 300 năm tuổi. Xưa kia mỗi khi đến mùa, nhãn thường được hái dâng lên Phật điện, cúng thành hoàng làng và để quan lại địa phương cung tiến nhà vua. Thân cây chính về sau bị đổ vì mục ruỗng, chỉ còn một nhánh được nhà chùa đắp đất vun gốc, chăm sóc lớn thành cây “hậu duệ”. Đến năm 2012 đã xác lập chùa Hiến là nơi có cây nhãn tổ đầu tiên ở Việt Nam và cây được xem như một biểu tượng của đặc sản nhãn lồng Phố Hiến.
- Tiền đường chùa Hiến. Photo ©NCCông 2022
Năm 1992, chùa Hiến Hưng Yên được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Chùa Hiến Hưng Yên nằm liền kề bên tả ngôi đình Hiến, mặt nhìn qua cây nhãn Tổ về phía tây nam. Tam quan có 2 cổng phụ, cổng giữa 2 tầng 8 mái. Nhà bia và nhà khánh ở hai bên sân trước. Chùa chính xây kiểu “nội Công ngoại Quốc”, gồm toà tiền đường 3 gian 2 chái, toà thiêu hương 3 gian chồng diêm, 3 hành lang bao quanh 3 mặt toà thượng điện. Bên tả là vườn cây với giếng tròn to và lối đi vào 2 toà 2 tầng đồ sộ nằm song song mới được dựng bằng bê tông hồi đầu thập kỷ 201x.
- Phật điện chùa Hiến. Photo ©NCCông 2022
Di vật
Trong chùa lưu giữ được một hệ thống đầy đủ các tượng Phật giáo Bắc tông có niên đại thế kỷ XIX. Đặc biệt giữa thượng điện bày tượng Quan Âm Bồ tát ở tư thế ngồi, có 8 đôi tay bố trí đăng đối, trên đầu đội mũ chạm hoa cúc, sen, phù dung. Phía trước là tượng tứ vị Bồ tát ngồi trên tòa sen, khuôn mặt đầy đặn, trang nghiêm.
Chùa Hiến còn có 2 tấm bia đá, trên đó khắc ghi lại quá trình hình thành của Phố Hiến xưa. Bia thứ nhất đề “Thiên Ứng Tự - Tân Tự Trùng Tu Kí Thạch Bi”, niên đại Vĩnh Tộ thứ 7 (1625), mô tả “Phố Hiến là nơi đô hội tiểu Tràng An của bốn phương”. Bia thứ hai đề “Thiên Ứng Tự - Bi Ký Công Đức Tùy Hỷ”, niên đại Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709) cho biết Phố Hiến thời đó đã có tới 10 phường, xứng đáng với câu ca dao “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.
- Cây nhãn chùa Hiến. Photo ©NCCông 2022
Di tích lân cận
- Chùa Chuông: M342+73, P. Hiền Nam, TP Hưng Yên.
- Đền Đậu An (Thụy Ứng Quán): thôn An Xá, xã An Viên, Tiên Lữ.
- Đền Lảnh Giang: M29G+H5M, làng Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam.
- Đền Mẫu Hưng Yên: số 2 Bãi Sậy, P. Quang Trung, TP Hưng Yên.
- Đền Thiên Hậu: 56 Trưng Trắc, P. Quang Trung, TP Hưng Yên.
- Văn miếu Xích Đằng: M26X+VMX, P. Lam Sơn, TP Hưng Yên.
(973 Hien pagoda ©NCCông 2022)