974 Xich Dang temple of literature
Văn miếu Xích Đằng (Hưng Yên)
đền, miếuHưng Yênsông HồngLê trung hưngVăn miếu Xích Đằng tức Văn miếu Hưng Yên được khởi dựng vào năm 1701, dưới thời Lê trung hưng. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1992). Vị trí: M26X+VMX, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên, Việt Nam. Cách Ga Hà Nội: 56km (hướng 5h). Trạm bus lân cận: Bến xe khách Hưng Yên.
Lược sử
Văn miếu Xích Đằng được khởi dựng năm 1701 (thời Lê trung hưng) trên đất thôn Xích Đằng, nay thuộc phường Lam Sơn, TP Hưng Yên. Quy mô ban đầu của công trình khá nhỏ. Đến năm Minh Mạng thứ 20 (1839) triều Nguyễn cho tôn tạo với quy mô bề thế như hiện nay. Xưa kia, đây vừa là nơi tổ chức các kỳ thi Hương của trấn Sơn Nam, vừa là nơi bái tế các bậc sư biểu Nho gia vào hai dịp xuân thu hằng năm.
- Ban thờ Chu Văn An trong Văn miếu Xích Đằng. Photo ©NCCông 2022
Công trình này thờ Khổng Tử và chư hiền của Nho giáo, chính giữa toà đại bái có ban thờ Chu Văn An (1292 - 1370) người thầy giáo đức độ ở cuối thời Trần. Đây là một trong 6 khu văn miếu còn tồn tại đến ngày nay của nước ta và chỉ đứng sau Quốc Tử Giám Hà Nội về tuổi đời.
Văn miếu Xích Đằng cùng cụm di tích Phố Hiến đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia vào năm 1992.
- Cổng Văn miếu Xích Đằng. Photo ©NCCông 2022
Kiến trúc
Khuôn viên Văn miếu Xích Đằng trải rộng gần 6.000 m2, phía trước là đầm Vạc, bên cạnh phía tây là hồ Văn. Toàn cảnh các hạng mục công trình được bố trí đồng bộ và liền mạch. Mặt tiền của công trình quay hướng nam, cổng là một tam quan đồ sộ kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái trên cửa chính; hai bên có bục loa dùng để xướng danh sĩ tử và thông báo những quy định trong các kỳ thi trước đây.
- Sân trước Văn miếu Xích Đằng. Photo ©NCCông 2022
Sau cổng là sân rộng, giữa sân có đường thập đạo, hai bên là lầu chuông và lầu khánh cùng 2 dãy tả hữu vu hiện được dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến giáo dục và các di tích lịch sử của tỉnh Hưng Yên. Khu nội tự gồm 3 toà nhà 5 gian nằm thành hình “chữ Tam”, bao gồm: tiền tế, trung từ và hậu cung, đều có kết cấu giống nhau với bộ vì kiểu trụ trốn và bộ mái liên hoàn kiểu “trùng thiềm địa ốc”. Bên trong trang trí với các đại tự, câu đối, cửa võng và các cột kèo sơn son thếp vàng.
- Bên trong Văn miếu Xích Đằng. Photo ©NCCông 2022
Di sản
Dấu tích cổ nhất bên ngoài là 2 toà tháp mộ Phương Trượng Tháp và Tịnh Mãn Tháp của hai vị sư trụ trì ngôi chùa nay không còn. Hiện vật quý giá nhất là 9 tấm bia đá, trong đó 8 bia được lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và một bia được lập năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Trên các bia này có khắc tên các vị đã đỗ đại khoa của hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình trong các triều đại Trần, Mạc, Lê, Nguyễn. Ngoài ra còn có quả chuông đồng đúc năm 1804 và chiếc khánh đá tạc năm 1803.
- Bia trong Văn miếu Xích Đằng. Photo ©NCCông 2022
Khu Văn miếu Xích Đằng ngày nay là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giáo dục như: triển lãm thư pháp, hát ca trù đầu xuân, tổ chức ngày thơ Việt Nam, vinh danh học sinh đỗ đạt cao, có thành tích học tập tốt...
Theo truyền thống xưa, lễ hội Văn Miếu Xích Đằng tiếp tục được tổ chức hằng năm “xuân thu nhị kỳ” vào ngày 15 tháng Giêng và 15 tháng 8 âm lịch với các hoạt động thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo và phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục tiến bộ.
- Chính điện Văn miếu Xích Đằng. Photo ©NCCông 2022
Di tích lân cận
- Chùa Chuông: M342+73, P. Hiền Nam, TP Hưng Yên.
- Chùa Hiến: J3Q6+J4X, P. Hồng Châu, TP Hưng Yên.
- Đền Đậu An (Thụy Ứng Quán): thôn An Xá, xã An Viên, Tiên Lữ.
- Đền Lảnh Giang: M29G+H5M, làng Yên Lạc, Duy Tiên, Hà Nam.
- Đền Mẫu Hưng Yên: số 2 Bãi Sậy, P. Quang Trung, TP Hưng Yên.
- Đền Thiên Hậu: 56 Trưng Trắc, P. Quang Trung, TP Hưng Yên.
(974 Van mieu Xich Dang ©NCCông 2022)