978 Dinh Tien Hoang’s temple

Đền Đinh Tiên Hoàng (Vân Bồng)

Ninh Bìnhnhà Đinhsông Đáy

Đền Vân Bồng tương truyền có từ thời Tiền Lê. Thờ: vua Đinh Tiên Hoàng. Xếp hạng: di tích quốc gia (1993). Vị trí: 8VG9+22, thôn Vân Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình. Cách Hồ Gươm 90 km (hướng 6 h)

Lược sử

Đền Đinh Tiên Hoàng còn gọi là đền Vân Bồng vì toạ lạc tại thôn Vân Bồng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, xưa là thôn Kim Lự, làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng. Trên triền núi Kỳ Lân cách đền khoảng 3 km có động Đại Hữu và lăng mộ Tổ phát tích của nhà Đinh. Tương truyền Đinh Công Trứ, cha của Đinh Tiên Hoàng đã mang di cốt của ông nội nhà vua an táng tại đây. Lăng này hiện nay đã được tôn tạo.

Giữa cánh đồng Vân Bồng, ở gần đền có một khoảng đất cao ráo, tên cổ là Đào Áo (còn gọi xứ Đào Áo). Truyền thuyết kể rằng Đinh Bộ Lĩnh đã tụ quân tại nơi đây để tập trận. Từ thuở còn chăn trâu cậu đã được bạn bè tôn làm thủ lĩnh chỉ huy đánh trận giả ở Thung Lau (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn). Cậu dám cho mổ trâu của chú ruột để khao quân. Người chú đuổi đánh, cậu chạy thẳng đến bến sông Hoàng Long (xã Gia Tiến) bỗng nhiên có Rồng Vàng hiện lên đưa qua sông thoát sang Trường Yên (huyện Hoa Lư), vì vậy có tên là đường Tiến Yết.

Nghi môn đền Vân Bồng

Đền Vân Bồng nằm trên con đường Tiến Yết dẫn tới khu căn cứ quân sự ở động Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh. Từ đây ngài đã ra đi và tiến hành thắng lợi công cuộc thống nhất giang sơn, lập nước Đại Cồ Việt vào năm 968, trở thành vị vua đầu tiên xưng đế.

Đền được xây dựng ở đầu làng Vân Bồng nơi sinh Đinh Tiên Hoàng, cách lăng Định quốc công Nguyễn Bặc khoảng 1 km. Trải qua nhiều thế kỷ phần còn lại của di tích hiện nay mang phong cách kiến trúc của thời Nguyễn. Tương truyền ngôi đền đã được khởi dựng từ thời Tiền Lê. Cách khoảng 200 m ngay phía trước đền là gò Bồ Đề, một khu đất cao ráo rộng gần 200 m2 được coi như nền nhà cũ của cha mẹ đức vua.

Năm 1993 ngôi đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia.

Trước nghi môn đền Vân Bồng

Kiến trúc

Đền Vân Bồng khá giống đền Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư nhưng các chi tiết kiến trúc đơn giản hơn, diện tích cũng nhỏ hơn. Đền quay hướng tây, khuôn viên khá rộng có tường gạch xây bao quanh. Cổng đền làm bằng gỗ lim, 4 mái lợp ngói mũi hài. Sau cổng là hồ bán nguyệt nhỏ rồi đến bức bình phong đá chạm cuốn thư. Du khách bước qua nghi môn với 4 trụ biểu có đắp câu đối chữ Hán để vào sân đền. Hai bên sân có nhà tả hữu vu, giữa sân là sập long sàng bằng đá.

Đền gồm 3 toà tiền tế, trung đường, chính tẩm, có bố cục kiểu "tiền Nhất, hậu Đinh". Tiền tế gồm 5 gian, tường hồi bít đốc, bộ vì theo lối chồng rường, bờ nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Các đầu bẩy được chạm hoa văn lá lật, riêng gian giữa chạm khắc rồng. Các con chồng ở bộ vì được chạm hoa văn lá lật. Toà trung đường gồm 3 gian, toàn bộ hệ thống hoành nằm trên các mê kèo, các đầu bẩy cũng chạm hoa văn lá lật. Mê kèo phía đầu đốc hai bên cửa hiên có mảng chạm bong đề tài tứ linh.

Cổng đền Vân Bồng. Photo ©NCCong 2022

Tòa chính tẩm gồm 2 gian, 1 dĩ, bộ vì làm theo lối thượng rường hạ mê. Tượng vua Đinh Tiên Hoàng sơn son thếp vàng, cao gần 2 m, được đặt trong hậu cung cùng với long ngai, bài vị và sắc phong của các triều đại. Tại đây còn có bài vị thờ bốn khai quốc trung thần vốn là bạn thuở nhỏ và cùng quê Đại Hữu với vua, gồm: Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Trịnh Tú, Lưu Cơ. Tuy nhiên khác với đền ở Hoa Lư, trong đền Vân Bồng không thờ 3 người con vua là: Đinh Liễn, Đinh Hạng Lang, Đinh Toàn.

Lễ hội

Lễ hội Hoa Lư còn gọi “lễ hội Trường Yên” là dịp tưởng niệm sự nghiệp của đức vua Đinh Tiên Hoàng và lịch sử Việt Nam qua ba triều đại Đinh, Lê, Lý. Từ khi Hoa Lư trở thành cố đô, Lễ hội Hoa Lư được các vương triều Việt Nam tổ chức như một Quốc lễ. Đến ngày diễn ra Lễ hội ở Trường Yên, triều đình đều cử các vị quan đại thần về đây tham dự và làm chủ tế.

Chính điện đền Vân Bồng

Lễ hội được mở vào mùa xuân, có thể vào ngày sinh của Đinh Bộ Lĩnh (15/2 âm lịch), hoặc đầu tháng 3 bắt đầu từ 6/3 đến 10/3 âm lịch (tương truyền 10/3 là ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, 8/3 là ngày mất của vua Lê Đại Hành). Hằng năm cứ vào dịp này người dân thôn Vân Bồng cũng mở lễ hội, tổ chức lễ rước kiệu và chân nhang từ di tích lịch sử này về cố đô Hoa Lư.

Di tích lân cận

978 Van Bong temple ©NCCông 2017-2022