980 Dong Vien village hall

Đình Đông Viên

Lê trung hưngh.Ba Vìsông Hồng

Đình Đông Viên có từ thế kỷ XVII. Thờ: Tản Viên sơn thánh. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 5FG4+QR9, xã Đồng Quang, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Cách BĐX Bờ Hồ: 53km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Trại Giống Đông Quang Ba Vì - QL32 (xe 70a, 70b, 92)

Địa lý

Xã Đông Quang nay thuộc huyện Ba Vì, có diện tích 3,83 km², dân số 4.170 người năm 1999, mật độ dân số đạt 1.089 người/km². Xã gồm ba thôn đều có đình chùa riêng: Cao Cương, Quang Húc và Đông Viên. Địa giới xã giáp với các xã Chu Minh ở phía tây bắc, Cam Thượng ở phía đông nam, Tiên Phong ở phía tây nam. Giao thông thuỷ bộ thuận tiện vì xã có sông Hồng ở phía đông bắc và đường quốc lộ 32 đi ngang qua.

Xã Đông Quang nằm trên vùng đất Phong Châu vốn được cho là quốc đô nước Văn Lang của các vua Hùng. Tại đây các nhà khảo cổ học từng tìm thấy trong lòng đất những vết tích như công cụ lao động và đồ gốm của cư dân cổ sống cách nay khoảng 4000 năm. Bên cạnh đó là một hệ thống truyền thuyết Tản Viên sơn thánh, vị thần được thờ cúng trong rất nhiều ngôi đình, đền, miếu ở huyện Ba Vì và lân cận.

Cổng đình Đông Viên ©NCCông 2021

Lược sử

Đình Đông Viên được khởi dựng từ thế kỷ XVII và định hình vào thời Nguyễn. Đình thờ Đức thành hoàng làng là Tản Viên sơn thánh, trong dân gian còn gọi là ngài Sơn Tinh hay thần núi Ba Vì. Theo LĨNH NAM CHÍCH QUÁI LIỆT TRUYỆN được chép dưới thời Trần, chàng Sơn Tinh đã thắng Thuỷ Tinh trong cuộc cầu hôn công chúa Mỵ Nương, người con gái xinh đẹp của vua Hùng. Trở thành vị phò mã, ngài giúp dân trị thuỷ sông Hồng và đánh tan giặc ngoại xâm giữ yên đất nước...

Sau này, các triều đình đã ban sắc phong ngài là Tản Viên sơn thánh. Nhân dân rất nhiều nơi đã tôn vinh ngài là vị thần đứng đầu nhóm “Tứ bất tử” của nước Việt và lập đền thờ cúng. Năm 1991 đình làng Đông Viên đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Sân đình Đông Viên ©NCCông 2021

Kiến trúc

Đình Đông Viên toạ lạc trên một mảnh đất khá rộng rãi và cao ráo ở giữa làng. Sau đợt đại trùng tu cuối cùng, phần lớn mặt bằng và các hạng mục kiến trúc vẫn giữ nguyên vẹn theo định hình từ thời Nguyễn. Đình nhìn về phía đông bắc ra sông Hồng. Nghi môn 3 gian xây chồng diêm, tường hồi bít đốc, bộ mái tầng trên lợp ngói ta với 4 góc đao cong, các mảng trang trí trên gỗ và gạch vữa đều đẹp. Hai bên nghi môn có 2 cổng phụ.

Sau nghi môn là sân gạch rộng, đối diện hai bên có dãy nhà tả, hữu vu 5 gian, xây tường hồi bít đốc tay ngai. Toà đại đình 5 gian với 4 mái chảy dài. Bốn bộ vì làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng, hạ kẻ bẩy hiên” trên 6 hàng chân cột gỗ lim. Phần giữa đại đình được kết nối với toà hậu cung 2 gian thành hình “chữ Đinh”. Gian ngoài hậu cung gồm hai mái, gian trong là cung cấm với một bộ cửa bức bàn và được xây kiểu phương đình chồng diêm.

Trong đình Đông Viên ©NCCông 2021

Di sản

Đình Đông Viên đặc trưng bởi những mảng kiến trúc và điêu khắc gỗ mang hai phong cách nghệ thuật khác nhau của thế kỷ XVII và thời Nguyễn. Ngoài 3 đạo sắc phong và bản thần phả, bên trong đại đình còn giữ được nhiều cổ vật gồm: hoành phi, câu đối, hương án, long ngai bài vị, hạc thờ, choé sứ, tượng...

Di tích lân cận

980 Dong Vien village hall ©NCCông 2022