981 Dong Vien pagoda
Chùa Đông Viên (Phúc Lâm Tự)
h.Ba Vìsông HồngLê trung hưngChùa Đông Viên có từ thế kỷ XVII. Tên chữ: Phúc Lâm Tự. Xếp hạng: Di tích quốc gia (1991). Vị trí: 5FG4+RP6, xã Đồng Quang, H. Ba Vì, TP Hà Nội. Cách Ga Hà Nội: 53 km (hướng 10h). Trạm bus lân cận: Trại Giống Đông Quang Ba Vì - QL32 (xe 70a, 70b, 92)
Địa lý
Xã Đông Quang nay thuộc huyện Ba Vì, có diện tích 3,83 km², dân số 4.170 người năm 1999, mật độ dân số đạt 1.089 người/km². Xã gồm ba thôn đều có đình chùa riêng: Cao Cương, Quang Húc và Đông Viên. Địa giới xã giáp với các xã Chu Minh ở phía tây bắc, Cam Thượng ở phía đông nam, Tiên Phong ở phía tây nam. Giao thông thuỷ bộ thuận tiện vì xã có sông Hồng ở phía đông bắc và đường quốc lộ 32 đi ngang qua.
Xã Đông Quang nằm trên vùng đất Phong Châu theo truyền thuyết thì được cho là quốc đô nước Văn Lang của các vua Hùng. Tại đây các nhà khảo cổ học từng tìm thấy trong lòng đất những vết tích như công cụ lao động và đồ gốm của cư dân cổ sống cách nay khoảng 4000 năm...
- Tam quan chùa Đông Viên. Photo ©NCCong 2021
Lược sử
Chùa Đông Viên tên chữ là Phúc Lâm Tự, toạ lạc ngay bên cạnh đình làng Đông Viên và ngôi miếu cổ thờ Tản Viên sơn thánh. Cụm di tích này thuộc xã Đông Quang, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Căn cứ vào những viên gạch trang trí và phong cách nghệ thuật chạm khắc gỗ còn sót lại trong di tích có thể đoán định chùa được khởi dựng vào thế kỷ XVII.
Cuối thời Lê trung hưng nhà chùa cho tô lại một số pho tượng như Tam thế Phật, Quán thế âm Bồ tát, Kim Đồng và Ngọc Nữ.... Sang thời Nguyễn, ngôi chùa được trùng tu và sửa chữa nhiều lần nhưng đến đầu thế kỷ XXI thì bắt đầu xuống cấp nặng nề.
- Sân trong chùa Đông Viên. Photo ©NCCong 2021
Năm 1991 chùa Đông Viên đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.
Kiến trúc
Dáng vẻ ngôi chùa ngày nay mang phong cách nghệ thuật được định hình vào cuối thời Nguyễn. Chùa ở sát bên đình và miếu, có tường bao quanh cụm di tích. Đợt đại tu đầu TK 21 làm thay đổi một số kiến trúc. Xưa kia sau nghi môn là sân ngoài rồi mới đến tam quan 1 gian 2 dĩ xây chồng diêm 2 tầng 8 mái với 8 đầu đao cong cong. Các bộ vì chính của tam quan làm kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ bẩy”. Mặt trước tam quan lắp cửa bức bàn, mặt sau để trống thông với sân trong. Đầu hồi xây tường nối với hai dãy hành lang 3 gian đối diện qua sân và cùng chùa chính tạo thành một khu vực khép kín. Các bộ vì của hành lang được làm theo kiểu “thượng chồng rường giá chiêng hạ kẻ”.
- Hông chùa Đông Viên ©NCCong 2021
Chùa chính có hình “chữ Nhất” nằm trên nền cao, xây tường hồi bít đốc tay ngai. Phía sau là một mái chảy dài, phía trước làm kiểu 2 tầng chồng diêm. Cổ diềm có các cửa gỗ nhỏ để thông gió và lấy sáng. Các bộ vì chính đỡ mái trên được làm theo kiểu “chồng rường giá chiêng”, phía sau rường nách và kẻ hiên, phía trước thượng kẻ, hạ bẩy”. Mặt tiền lắp cửa bức bàn, ba phía xây tường gạch.
Di vật
Trong chùa Đông Viên hiện còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý giá. Trên Phật điện có 7 pho tượng được tạo tác vào thế kỷ XVII, 9 pho khác mang niên đại từ thế kỷ XVIII. Ngoài ra còn có một quả chuông đồng đề “Phúc Lâm Tự Chung” được đúc vào năm Thành Thái thứ 3 (1891), hai đôi câu đối và ba bát hương.
- Cổng ngoài chùa Đông Viên. Photo ©NCCong 2021
Di tích lân cận
981 Dong Vien pagoda ©NCCông 2022